Ngày 28/12/2012, Liên minh Khai thác tôm Mỹ (COGSI) đã đệ đơn kiện lên Bộ Thương mại Mỹ đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ 7 nước, trong đó có Việt Nam do nghi ngờ ngành tôm những nước này nhận các khoản trợ cấp không chính đáng từ chính phủ.
Động thái của COGSI được xem như “tuyên chiến” với các nước chính cung cấp tôm cho Mỹ. Hiện nay, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam - 7 nước bị kiện - chiếm tới 85,6% tổng nguồn cung tôm cho thị trường Mỹ.
Nhiều năm trước, Mỹ luôn dẫn đầu về tiêu thụ tôm Việt Nam. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh mạnh từ các nguồn cung khác, Mỹ đã xuống vị trí thứ hai về nhập khẩu tôm của Việt Nam.
10 nước cung cấp tôm đông lạnh hàng đầu cho Mỹ, T1-10/2011-2012, tấn. Nguồn: Vasep |
Năm 2012, mặc dù xuất khẩu tôm sang Mỹ liên tục giảm do nhiều yếu tố nhưng Mỹ vẫn duy trì vị trí thứ hai sau Nhật Bản về nhập khẩu tôm Việt Nam với giá trị cả năm ước đạt khoảng 480 triệu USD, chiếm hơn 20% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Năm 2013, Mỹ tiếp tục được xác định là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam do vấn đề Ethoxyquin tại thị trường Nhật Bản chưa được giải quyết. Mặc dù chưa có quyết định chính thức về việc xem xét đơn kiện chống trợ cấp từ phía Bộ Thương mại Mỹ nhưng động thái này đã đánh đòn tâm lý khá mạnh đến các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam khi mới bước vào những ngày đầu của năm mới.
Năm vừa qua, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã gặp phải nhiều khó khăn như cung vượt quá cầu, giá giảm và thuế chống bán phá giá khiến cho xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm mạnh. Mười một tháng đầu năm 2012, xuất khẩu đạt 425,4 triệu USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù phải đương đầu với rất nhiều chiến dịch bảo hộ từ ngành tôm nội địa Mỹ nhưng cho đến nay, tôm nhập khẩu chiếm tỷ trọng đáng kể trong nguồn cung tôm cho thị trường Mỹ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cao của nước này.
Mười tháng đầu năm 2012, sản lượng khai thác tôm của Mỹ đạt 98,7 triệu pao (44.890 tấn), trong khi nhập khẩu tôm vào Mỹ trong thời gian này đạt 948,2 triệu pao (430.470 tấn). Như vậy, nếu vụ kiện chống trợ cấp nghiêng về phía COGSI thì không chỉ các nước xuất khẩu tôm bị ảnh hưởng mà chính các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ sẽ bị thiệt thòi rất lớn.
Trong cơ cấu nhập khẩu tôm của Mỹ, tôm HLSO chiếm tỷ trọng gần 42%, tiếp đến là tôm thịt 37,94%, tôm chín 13,28% và tôm bao bột 7,26%.
Xét về giá trị, Việt Nam là nhà cung cấp lớn nhất mặt hàng tôm HLSO cỡ <15 cho thị trường Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2012 với khối lượng 7,16 triệu pao (3.254 tấn), trị giá 53,78 triệu USD, tăng 9,5% về khối lượng và 7,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011.
Xét về khối lượng, Mexico dẫn đầu về cung cấp mặt hàng này cho Mỹ với 7,47 triệu pao (3.392 tấn), trị giá 45,1 triệu USD, giảm 1,3% về khối lượng và giá trị gần tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Mười tháng đầu năm 2012, Mỹ nhập khẩu 356,8 triệu pao (162.009 tấn) tôm thịt, trị giá 1,41 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Thái Lan 92,76 triệu pao (42.114 tấn), trị giá 389 triệu USD, chiếm 26% về khối lượng và 27,5% về giá trị trong tổng nhập khẩu mặt hàng này vào Mỹ.
Ngoài tôm thịt, Thái Lan cũng là nhà cung cấp lớn nhất tôm chín cho thị trường này. Mười tháng đầu năm 2012, Mỹ nhập khẩu 77,05 triệu pao tôm chín từ Thái Lan, trị giá 332,2 triệu USD.
Trung Quốc chiếm tới 54,8% về khối lượng và 48,4% về giá trị trong tổng nguồn cung tôm bao bột cho Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2012. Theo thống kê từ Cục Nghề cá biển Quốc gia Mỹ (NMFS), tính đến hết tháng 10, nhập khẩu tôm bao bột từ Trung Quốc vào Mỹ đạt 37,46 triệu pao (17.008 tấn), trị giá 205 triệu USD.
Hiện nay, 5 trong số 7 nước bị kiện chống trợ cấp gồm Việt Nam, Trung Quốc, Ecuador, Thái Lan và Ấn Độ đang phải chịu thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Trong trường hợp xấu nhất, nếu 5 nước này phải “gánh thêm” thuế chống trợ cấp, không hiểu xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ bị tác động lớn tới mức nào và liệu họ còn có thể duy trì được những vị trí dẫn đầu trong nhập khẩu các sản phẩm tôm vào Mỹ như năm vừa qua nữa hay không?
Theo VASEP