Tại phiên họp cho ý kiến vào dự án Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) chiều 20/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói lĩnh vực này thời gian qua đã giải quyết được việc làm, thu nhập cho người dân. Nhiều gia đình khá giả, xây được nhà tầng, nhưng cũng có những trường hợp rất thương tâm, bị doanh nghiệp "đem con bỏ chợ".
Để tránh tình trạng trên, bà Ngân đề nghị Bộ Lao động Thương binh Xã hội - chủ trì ban soạn thảo dự án Luật, nghiên cứu quy định về chính sách bảo hiểm cho lao động đi làm việc ở nước ngoài và giới thiệu việc làm cho họ khi về nước. "Ví dụ, lao động sang Nhật làm việc, khi quay về được làm trong các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam thì rất tốt. Đề nghị ban soạn thảo phải gắn kết, bổ sung quy định cho vấn đề này", bà nói.
Để hỗ trợ người dân, thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh, đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu chính sách cho những người có nhu cầu làm việc lâu dài ở nước ngoài. "Nhiều người sau khi làm hết ba năm muốn ở thêm một kỳ ba năm nữa thì cần tạo thủ tục đơn giản cho họ, đừng để họ phải về nước làm thủ tục phức tạp", ông Việt nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường Phan Xuân Dũng phân tích, hiện Việt Nam có ba nhóm lao động ở nước ngoài. Đó là lao động chân tay, người đi làm việc theo chương trình hợp tác lao động và xuất khẩu chuyên gia. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo chú ý đến việc xuất khẩu lao động chuyên gia, chất lượng cao để tránh tình trạng chảy máu chất xám.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cần quy định điều kiện đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chặt chẽ hơn, "phải đạt trình độ mới cho đi chứ không đi bằng bất cứ giá nào, chạy theo số lượng".
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị xử lý nghiêm những người đi làm việc ở nước ngoài đã "làm ảnh hưởng đến hình ảnh, con người Việt Nam".
"Nhà nước bảo hộ công dân, nhưng người lao động phải giữ kỷ luật và quy định nước sở tại, chúng ta không thể suốt ngày xử lý những tiêu cực mà một số lao động gây ra", ông Hiển nói và đề nghị ngoài yêu cầu ký quỹ để lao động chấp hành hợp đồng thì người dân cần đóng thêm một khoản để "nếu có vấn đề gì xảy ra, nhà nước lấy tiền đó giải quyết"; trường hợp khoản này không phải sử dụng đến, lao động sẽ được trả lại khi về nước.
Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thông qua cuối năm 2006, có hiệu lực từ 1/1/2007. Sau gần 13 năm thi hành, dự án Luật (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp dự kiến khai mạc cuối tháng 5.