Quyết định thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 31/3.
Trong 35 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, người lao động phải ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội tại nơi đăng ký thường trú. Thời hạn ký quỹ là 5 năm 6 tháng. Toàn bộ số tiền ký quỹ người lao động có thể vay tại chính ngân hàng mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
Tiền ký quỹ sau khi chuyển vào ngân sách nhà nước cấp tỉnh được quản lý và sử dụng theo quy định pháp luật ngân sách nhà nước để tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, tập huấn nâng cao năng lực; hỗ trợ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và các hoạt động, chính sách khác tại địa phương.
Tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) của người lao động sẽ được hoàn trả khi không đi làm việc tại Hàn Quốc; người về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động; bị trục xuất về nước mà không thuộc trường hợp bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo Hợp đồng lao động hay ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động và hết hạn cư trú.
Người lao động chuyển đổi thị thực cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc hoặc người bị chết, mất tích trong thời gian làm việc theo hợp đồng thì gia đình được nhận lại tiền ký quỹ.
Quyết định thí điểm có hiệu lực từ ngày 15/5 đến khi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Tình trạng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc diễn ra nhiều năm. Đến cuối năm 2019, số lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp lại Hàn là hơn 12.000, năm 2018 là hơn 14.600.
Để giải quyết, năm 2019 Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc đối với 40 quận, huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp từ 60 người trở lên (trong số 100 quận, huyện).
Bộ Tư pháp Hàn Quốc quyết định miễn xử phạt và được ở lại thêm tối đa 3 tháng nếu những người này tự nguyện khai báo và về nước từ 11/12/2019 đến hết 30/6/2020.