Thông tin được đưa ra tại hội thảo về xuất khẩu lao động do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp Báo Lao Động tổ chức, ngày 9/8.
Thống kê từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Tháp, sau ba năm làm việc ở nước ngoài lao động tích lũy được 600-800 triệu đồng, từ mức lương bình quân 27-35 triệu đồng mỗi tháng.
Chính quyền Đồng Tháp đánh giá lượng kiều hối từ xuất khẩu lao động đã góp phần quan trọng để giảm nghèo. Thống kê cho thấy 100% hộ gia đình khó khăn có người đi lao động nước ngoài đã thoát nghèo. Hiện tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh này giảm sâu còn khoảng 1,51%.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết toàn tỉnh có 1,9 triệu dân trong đó có hơn một triệu lao động, chủ yếu là con em nông dân. Mười năm trước khi tỉnh tái khởi động chương trình đưa lao động đi nước ngoài với kỳ vọng, từng bước thay đổi tư duy lao động thuần nông.
"Không chỉ kiếm tiền, tỉnh luôn định hướng các em đi để học hỏi tư duy, nâng cao tay nghề, tác phong làm việc để sau khi về nước có thể lập nghiệp, làm chủ", ông Nghĩa cho biết.
Theo Chủ tịch tỉnh, dù tỉ lệ "đi làm thuê về làm chủ" chưa nhiều như kỳ vọng (chiếm 3,8% khi khảo sát hơn 1.100 lao động), song địa phương kiên trì, thay đổi từng bước bằng các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, lập các câu lạc bộ, hội nhóm ngành hàng nhằm gắn kết cộng đồng lao động đi nước ngoài.
Bình quân mỗi năm khoảng 120.000 đến 143.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc; lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về đạt 3,5-4 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Các thị trường tiếp nhận đông lao động Việt Nam là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...
Ngọc Tài