"Tôi ra trường đi làm được 7 năm. Cách đây mấy năm, lương bổng còn đủ để lo cho hai đứa em nhỏ ở nhà đi học. Nhưng hiện tại tôi cũng đang học thêm và chuẩn bị hồ sơ cho việc xuất khẩu lao động.
Vật giá mọi thứ đều tăng, chỉ có lương không tăng, phúc lợi thì cắt giảm theo thời gian. Cách đây vài năm, lương 10 triệu đồng đủ sống và trích một phần nhỏ để tiết kiệm.
Hiện tại, lương 10 triệu đồng chỉ đủ nuôi bản thân thì nói gì đến nuôi gia đình. Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, nhân viên trên 35 tuổi là bắt đầu nhăm nhe sa thải.
Cùng một công việc, cùng một chỉ tiêu về yêu cầu kỹ thuật nhưng đi xuất khẩu lao động, lương một tháng gấp 2-4 lần ở quê nhà và đủ khả năng lo cho vợ con và ba mẹ.
Xu hướng xuất khẩu lao động hiện nay ở người trẻ rất nhiều. Nhiều người hỏi, nếu ai cũng đi xuất khẩu lao động thì ai sẽ ở lại phát triển đất nước. Ở lại tiếp tục làm việc, liệu ai sẽ hỗ trợ gia đình tôi?"
Độc giả Luân Hoàng chia sẻ sau 7 năm đi làm, lương hiện tại không đủ sống nên đang có kế hoạch đi xuất khẩu lao động để có thu nhập cao hơn. Chia sẻ trên nằm trong bài Podcast Công nhân chọn thất nghiệp, nhà máy 'khát' người.
Theo đó, khi đối mặt với tình trạng lương không cải thiện, doanh nghiệp "thích thì sa thải", bất an vì luật BHXH thay đổi người lao động từ chối hàng chục lời mời từ nhà máy để bưng bê thời vụ. Con đường xuất khẩu lao động cũng được nhiều người nghĩ đến.
Độc giả Navi nói rằng khi lương thấp không đủ sống, xuất khẩu lao động tích góp được nhiều tiền hơn: "Nếu một công nhân vào TP HCM làm công nhân lương 10 triệu đồng, năm về một lần thì chọn xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, trong 3 năm ít gì cũng tích góp được 300-500 triệu đồng. Ở Việt Nam làm biết bao giờ được số đó?".
Độc giả toantc91 đặt vấn đề: "Phải làm gì khi cái gì cũng tăng giá còn lương thì không tăng? Làm cả đời cũng chỉ quanh quẩn trong cái phòng 15 m². Thà xuất khẩu lao động vất vả hơn tí, về già có khoản tiền về quê dưỡng già".
Chỉ riêng thị trường Hàn Quốc, số người đi xuất khẩu lao động đã tăng kỷ lục. Độc giả nickname vanhungktdt224 đưa ra lời khuyên:
"Khi xác định đi xuất khẩu lao động là phải kiếm được vốn liếng để khi về nước bạn có thể làm chủ.
Chứ đi xuất khẩu lao động kiểu làm vài năm xong về làm chủ thì không đủ vốn, làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài thì không đủ khả năng, làm công nhân thì bắt đầu lại với mức lương thấp sẽ rất ức chế".
Trong khi đó, nhìn về tình hình thị trường lao động trong nước, độc giả Quang nguyễn nói:
"Thị trường lao động Việt Nam hút các công ty nước ngoài chủ yếu là vì giá nhân công rẻ. Nếu tăng lương, doanh nghiệp nước ngoài sẽ rời Việt Nam sang Bangladesh, Ấn Độ, Campuchia.
Cơ quan quản lý phải có tầm nhìn vĩ mô, nếu muốn tăng mức lương thì cần phải định hướng, đào tạo lực lượng lao động có tay nghề, chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp nước ngoài.
Về phía người lao động, phải chịu khó học hỏi, trau dồi tay nghề, kinh nghiệm mới có thể đòi hỏi mức lương tương ứng. Nếu chỉ là lao động phổ thông thì không thể đòi hỏi phúc lợi cao được".
>>Chia sẻ câu chuyện đi xuất khẩu lao động của bạn tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp