Câu chuyện hướng nghiệp ở Việt Nam còn khá mới lạ, chậm so với các nước trên thế giới. Đặc biệt là ở vùng nông thôn.
Trước đây, khi thi đại học, việc học chuyên ngành của tôi được bố mẹ hướng đến là ngành Sư phạm bởi cả bố mẹ và tôi chỉ biết đến ngành này. Sau đó, tôi không đỗ sư phạm nên theo học ngành Kế toán.
Bản thân tôi chưa được tiếp xúc với khái niệm kế toán là gì. Thời bấy giờ, thế hệ đời 8X, công nghệ thông tin vẫn còn sơ sài.
Lúc bé, chúng tôi vẫn được chứng kiến cảnh nhà nào có cái đài cassette là oai lắm rồi, tối đến cả xóm cùng ngồi nghe. Sau đó là có lác đác tivi đen trắng, lớn lên chút nữa có ti vi màu chiếu các chương trình chủ yếu của quốc gia về thời sự, phim truyện, giải trí, quảng cáo...
Việc tiếp cận với công nghệ thông tin tra cứu hoặc hiểu biết về thế giới quan xung quanh rất hạn chế.
Rồi tôi vẫn được đi học đại học, dù cả bố mẹ và tôi đều không biết kế toán là gì, sau này làm gì, xin việc ở đâu bởi vì cuộc sống nơi thôn quê vất vả, nghèo nàn. Bố mẹ chỉ muốn tôi được thoát li, đành đánh cược với kì vọng và cơ hội.
Sau này, khi tốt nghiệp, cũng đúng thời kỳ nghề kế toán là cần thiết, việc thực tập và xin việc của tôi cũng dễ dàng. Tôi có một số thành công, hiểu biết nhất định khi đi làm.
Đó cũng là lý do mà các thế hệ sau đó, ngành kế toán được phổ biến rộng rãi hơn, người ta sẽ nói với nhau, con nhà này, con nhà kia làm nghề đó. Thấy bảo cũng ổn định và thoát ly được đồng ruộng, có khi còn kiếm được nhiều tiền và trở nên khá giả.
Thế nhưng, các thế hệ gần nhất, khi mà nền kinh tế đã đủ lượng nhân sự cho một số ngành nghề thì sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ thất nghiệp, hoặc nếu có đi làm thì lương sẽ không đạt như kỳ vọng, thậm chí không đủ cuộc sống trang trải nếu làm việc xa nhà ở thành phố lớn.
Và họ sẽ phải làm nghề khác ngành, thậm chí về quê gần nhà để làm công nhân (trong khi để làm công nhân thì không cần đến bằng cấp đại học), nghĩa là sẽ phí hoài rất nhiều tiền của và thời gian của các năm đại học.
Dạo gần đây, tôi vẫn nghe nhiều phụ huynh nói không còn có nguyện vọng muốn con thoát ly ruộng đồng bằng cách đi học đại học nữa. Mặc dù con họ học khá tốt, kết quả điểm thi đỗ được đại học thuộc top quốc gia.
Thay vào đó, họ chuyển hướng sang việc cho con đi xuất khẩu lao động, đi làm công nhân, hoặc phụ gia đình làm kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ... Bởi họ nghĩ, học ra cũng khó có việc làm, mất tiền và thời gian quá dài, thời gian đó kiếm tiền và lập gia đình thì sẽ tốt hơn nhiều lần.
Vấn đề đặt ra là, nếu quyết tâm cho đi học, thì chọn ngành gì để phù hợp với tương lai là một câu hỏi lớn. Hiện này, ngành A là phù hợp, liệu 4 năm sau, khi tốt nghiệp đại học liệu có còn là ngành phù hợp nữa hay không?
Một số nước tại châu Âu, Mỹ hoặc các nước phát triển khác, việc hướng nghiệp được phân loại và định hướng từ năm con 12 tuổi.
Mới đây, tôi cho con tôi 12 tuổi tham gia một lớp huấn luyện hè, trong đó có nội dung về định hướng các con có khát vọng và có mục tiêu hướng đến nghề nghiệp lựa chọn trong tương lai.
Khi tham gia cuộc phỏng vấn diện rộng thì có đến hơn 80% ba mẹ không trả lời cụ thể được là muốn con trở thành thế nào trong tương lai bởi họ vẫn đang xem con mình như những đứa trẻ. Và các con cũng vậy, chúng nó trả lời rất ngây ngô về sở thích về nghề trong tương lai của mình. Và mỗi thời kỳ, chúng lại nổi lên một sở thích khác nhau, nghề khác nhau mà các con ước muốn.
Vậy, để quan sát năng lực, khả năng của một đứa trẻ để đưa ra mục tiêu và định hướng nghề nghiệp trong tương lai là mơ hồ và khó khăn. Tương lai con sẽ làm gì vẫn luôn là một dấu chấm hỏi.
Cha mẹ cũng không thể để con mặc nhiên mà phát triển được vì thế giới quan xung quanh luôn vận động và thay đổi. Việc này không chỉ các con, bố mẹ cần đến sự quan tâm đưa vào chương trình kỹ năng phân môn có đề cập, giảng dạy từ nhà trường.
Sự phối hợp từ các chính sách cải cách từ các bộ, ban ngành, doanh nghiệp. Để có một vòng khép kín trong việc theo dõi, giám sát và hỗ trợ thế hệ trẻ có cơ hội được tiếp cận với ngành nghề được định hướng từ sớm.
Từ đó thiết lập được mục tiêu của bản thân, kết nối được việc học tập hướng tới một nghề nghiệp rõ nét trong tương lai của một đứa trẻ là vô cùng quan trọng. Cá nhân sẽ phát huy được vai trò, sức mạnh và có ý trí hướng tới sự phát triển cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Việc định vị được bản thân cùng với mục tiêu nghề nghiệp từ sớm giúp cá nhân hiểu được sứ mạng và nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội. Hướng tới một cộng đồng trẻ thân thận, có ý trí, mục tiêu rõ ràng hơn, kiên định và sớm hòa nhập tốt hơn với cuộc sống hiện tại và sau này.
Minh An