Kim ngạch 2,4 tỷ USD xuất khẩu hải sản của Việt Nam đến từ các mặt hàng: cá ngừ; mực, bạch tuộc; cua, ghẹ, giáp xác; nhuyễn thể hai mảnh vỏ; nhuyễn thể khác; cá các loại (trừ cá ngừ và cá tra). Trong 9 tháng đầu năm, ba mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất lần lượt là: các loại cá (trừ cá ngừ và cá tra); cá ngừ và mực, bạch tuộc.
Tuy nhiên, về tăng trưởng, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng mạnh nhất với 39%, đạt 99,6 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc tăng lần lượt 9% và 3% so với cùng kỳ 2020. Ngược lại, xuất khẩu nhuyễn thể khác giảm mạnh nhất (36%) còn cá khác và cua ghẹ giảm lần lượt 0,6% và 6%.
Top 5 thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất 9 tháng qua của Việt Nam gồm Hàn Quốc (chiếm 41%), CPTPP (chiếm 24%), Thái Lan (chiếm 11%), EU (chiếm 10%), và Trung Quốc (chiếm 7%). So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường CPTPP và Trung Quốc đều giảm 6%, nhưng sang EU tăng mạnh nhất với 30%.
Kim ngạch lũy kế 9 tháng tích cực nhưng những tháng gần đây, xuất khẩu hải sản đã tuột dốc. Sau khi giảm 24% trong tháng 8, xuất khẩu trong tháng 9 tiếp tục giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là hoạt động sản xuất bị đình trệ do giãn cách xã hội để phòng chống dịch từ giữa tháng 7. Các nhà máy chế biến vì thế giảm công suất, thiếu nguyên liệu, chuỗi cung ứng gián đoạn, đi lại vận chuyển không thông suốt.
Vasep dự báo, với tình trạng dịch Covid chưa thể được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất từ giữa tháng 9 nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về nhân công, nguồn vốn, chi phí tăng. Do vậy, sản xuất và xuất khẩu hải sản của Việt Nam sẽ còn tiếp tục giảm trong tháng 10.
Dỹ Tùng