Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 4 tháng đầu năm 2020 đạt 17,04 tỷ USD, trong đó xuất khẩu giảm gần 7% so với cùng kỳ, khi chỉ đạt 10,7 tỷ USD. Nhưng nếu so với tháng 3, xuất khẩu dệt may đã giảm tới 30%.
Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch Vitas, chưa bao giờ xuất khẩu các mặt hàng dệt may lại lâm vào cảnh tụt dốc, thậm chí có mặt hàng tăng trưởng âm như hiện nay. Chẳng hạn, xuất khẩu mặt hàng may mặc âm hơn 18%, xơ sợi âm 24%, và vải không dệt giảm hơn 22% so với cùng kỳ.
Ở chiều nhập khẩu, nguyên phụ liệu dệt may đạt gần 6,4 tỷ USD, giảm 9%; bông nguyên liệu giảm 8% khi chỉ đạt 893 triệu USD...
Tính chung 4 tháng, thặng dư thương mại toàn ngành xuất khẩu dệt may đạt gần 5,4 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ.
Vitas nhận định, đến nay Covid-19 đã ảnh hưởng tới hầu hết doanh nghiệp. Ba kịch bản xuất khẩu được Vitas đưa ra, lạc quan nhất thì kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt 35 tỷ USD, giảm 10% so với 2019. Kịch bản hiện thực nhất là khoảng 33,5 tỷ USD và thấp nhất 30-31 tỷ USD. Dù vậy, ở kịch bản nào thì năm 2020 cũng là năm suy giảm mạnh xuất khẩu của dệt may Việt Nam.
Trước những ảnh hưởng trực diện của Covid-19 khả năng nhiều doanh nghiệp dệt may có thể phải cho người lao động thôi việc hoặc cơ cấu, tổ chức lại lao động nên một bộ phận lao động sẽ mất việc. Vì thế, Vitas kiến nghị Nhà nước mở rộng đối tượng cho người lao động vay vốn lãi suất 0% trả tiền trợ cấp thôi việc, mất việc.
Hiệp hội Dệt may cũng đề nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp bị ảnh hưởng được dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất đến hết năm 2020 mà không kèm điều kiện giảm 50% lao động hoặc chỉ nên giảm từ 20%.
Với phí công đoàn, cũng không áp dụng điều kiện doanh nghiệp phải giảm 50% lao động. Ngoài ra, đề nghị Tổng liên đoàn miễn đóng đoàn phí cho người lao động đến hêt năm 2020 mà không kèm điều kiện.
Anh Minh