Kết quả thăm khám của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho thấy nữ bệnh nhân 42 tuổi từng bị sưng khớp, chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Thầy thuốc chỉ định dùng thuốc kháng viêm để điều trị song sau đó bệnh nhân không tái khám mà dùng thuốc "Miên" theo truyền miệng. Chị Minh tự mua "thần dược" trên về sử dụng, ban đầu triệu chứng đau nhức giảm hẳn, về sau phải dùng liên tục vì cứ hết thuốc là đau nhức tái phát. 3 tháng sau bệnh tình chị Minh nặng hơn, xuất huyết đường tiêu hóa và ói ra máu, sức khỏe suy kiệt.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Cao Thanh Ngọc, Phòng khám Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM chẩn đoán do chị Minh dùng thuốc có chứa corticoid dẫn đến hiện tượng lệ thuộc thuốc, còn gọi là hội chứng Cushing. Bác sĩ phải vừa điều trị bệnh vừa “cai thuốc” cho chị. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi sử dụng các loại thuốc truyền miệng để giảm đau và chữa viêm khớp. Hiện nay thuốc giảm đau có hai loại. Một là thuốc kháng viêm không chứa corticoid, người bệnh tự sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ có thể gây tác dụng rất nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa hoặc tăng biến cố bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, gây suy thận nặng hơn.
Hai là thuốc kháng viêm chứa corticoid. Khi mới dùng người bệnh thấy thoải mái, dễ chịu, giảm đau, ăn ngon, ngủ dễ. Nếu người bệnh vẫn sử dụng trong một thời gian dài với liều cao sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như loãng xương, tăng huyết áp, tiểu đường, rạn da, dễ nhiễm trùng, đục thủy tinh thể… Những triệu chứng này gọi chung là hội chứng Cushing.
Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis) là một bệnh lý viêm khớp có tính chất tự miễn, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính màng hoạt dịch ở nhiều khớp, có thể kèm theo các tổn thương ngoài khớp. Biểu hiện của bệnh là hiện tượng sưng đau nhiều khớp, cứng khớp kéo dài vào buổi sáng, triệu chứng rõ hơn khi thời tiết thay đổi hoặc không khí ẩm ướt.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở tất cả chủng tộc và lứa tuổi. Độ tuổi bị nhiều nhất từ 30 đến 50, chiếm 73-85%. Nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam gấp 2 đến 6 lần, song bệnh nhân nam có xu hướng nặng nề hơn. Các khớp thường bị ảnh hưởng là khớp nhỏ ở cổ tay, bàn tay, cổ chân, bàn chân. Bệnh có thể ảnh hưởng đến tất cả khớp khác như khớp khuỷu, vai. Nếu không được điều trị, các khớp viêm có thể tiến triển gây hẹp khe khớp, dính và biến dạng khớp, thậm chí tàn phế.
Nhằm giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về bệnh viêm khớp dạng thấp, các bác sĩ Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tổ chức tư vấn và khám miễn phí bệnh lý này. Chương trình diễn ra sáng 24/7 tại giảng đường 3A, lầu 3, khu A của bệnh viện số 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5. Các bác sĩ tặng 100 phiếu khám miễn phí cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp hoặc người bị sưng, đau các khớp ở bàn tay, cổ tay và các khớp khác. Ưu tiên trường hợp đăng ký sớm nhất qua điện thoại: 08 39 525 035 - 39 525 350 (giờ hành chính). |
>> Xem thêm Dấu hiệu và phương pháp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi