Tiết mục văn nghệ "Ngày xuân long phụng sum vầy"do các du học sinh Việt Nam tại Toulouse, Pháp biểu diễn. |
Sáng nay khi bừng tỉnh giấc cảm giác lạnh hơn rất nhiều so với ngày thường, xem nhiệt độ mới biết là âm 2 độ. Tôi vội khoác lên mình chiếc áo manteau, nhìn ra ngoài khung cửa sổ, tôi chợt nhận ra cây thời gian đã trụi hết lá, chỉ còn cái thân gầy guộc với những cành cây khô lạnh đang đứng sừng sững giữa hai bên đường. Rồi bỗng nghe trên radio thông báo rằng hôm nay là ngày đầu tiên trời có tuyết rơi ở các vùng phía bắc của nước Pháp và một số nước Châu Âu láng giềng. Như một robot đã được lập trình sẵn về trí nhớ, tôi biết rằng khi mà cái lạnh của mùa đông ùa về, thì tất cả những người dân châu âu mặc dù sắp thu mình trong giá rét, nhưng tâm trạng lại háo hức chuẩn bị cho một mùa Noel nữa lại về và đón mừng năm mới sắp đến. Và một tiềm thức thứ hai cũng vụt lên trong trí nhớ của tôi đó là “Tết Tây đến Tết Ta cũng sắp về”.
Tôi nhận thấy rất rõ rằng, như một điểm đồng nhất của người xa xứ, mặc dù rất bận rộn bởi công việc hàng ngày, vất vả cho mưu sinh trên đất khách, nhưng cứ vừa tết tây trôi qua là trong lòng người Việt rộn lên một niềm vui và nỗi nhớ khó tả.
Mọi người bắt đầu xem lịch âm nhiều hơn, xem ngày nào đến 23 tháng chạp - ngày đưa ông Táo về trời, rồi đến ngày 25 tháng chạp ngày đi tảo mộ ông bà tổ tiên. Xem để mà nhớ, mà hồi tưởng lại những phong tục tập quán đã in sâu vào trong tâm trí người dân Việt từ ngàn xưa. Thêm nữa, những năm gần đây Việt Nam đã có kênh truyền hình VTV4, hay các báo điện tử thường cập nhật các tin tức mới nhất từ trong nước nên bà con từ nước ngoài nghe biết được hằng ngày mà không phải lo lắng hay mất nhiều thời gian hỏi thăm thông tin vào các dịp cuối năm. Rồi những chuyến bay tiễn người đi, đưa người về trong những ngày giáp tết ngày một dày đặc hơn, gần gủi hơn làm cho cảm giác người Việt xa quê “xa mà gần”.
Tết trong gia đình
Người Việt ở nước ngoài đối với ngày Tết nguyên đán như là một dịp để họ được giữ lấy bản sắc văn hoá, tinh thần dân tộc mà chỉ có người cố hương mới cảm nhận được một cách sâu lắng và nồng nàn!.
Trong đa số gia đình người Việt xa quê chỉ có một bình hoa tươi thay cho hoa mai, hoa đào để trưng trong ngày tết. Một đĩa trái cây thay mâm ngũ̉ quả nhằm mong mọi đều tốt đẹp trong năm mới, hay một nén nhang thấp trên bàn thờ thay cho việc dâng cúng cơm, nước trong ba ngày xuân nhưng cũng làm ấm ấp lòng người cố hương và cầu mong ông bà tổ tiên về chứng kiến, sum vầy, hội tụ cùng con cháu.
Bữa cơm gia đình vào tối mùng một tết như là một buổi họp mặt đầu năm để ông bà, cha mẹ, con cái đoàn tụ, quây quần, tâm sự cùng nhau. Dù rằng đấy chỉ là sự đơn sơ, giản dị, nhưng tất cả những điều đó không làm thay đổi giá trị văn hoá dân tộc của người xa quê về một phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông ta từ bao ngàn đời nay. Trong mâm cơm ngày tết, mặc dù không đầy đủ và đậm đà như chính quê hương mình, nhưng các món ăn truyền thống trong ngày tết không thể nào thiếu như canh chua, thịt kho hột vịt, dưa cải muối, củ kiệu... đối với gia đình gốc Nam bộ, hoặc canh măng, giò thủ, xôi gấc, gà luộc...trong gia đình người miền Bắc. Một số bánh mứt chính yếu như mứt dừa, mứt gừng, hạt dưa... cũng được mua về.
Những lời chúc tốt đẹp, những nụ cười rạng rỡ trên môi về một năm mới cũng cho thấy rằng người Việt dù sống ở bất cứ nơi đâu trên đất khách quê người nhưng vẫn luôn gìn giữ nếp nhà và giáo dục cho thế hệ tiếp theo phải biết lưu giữ, kế thừa phong tục tập quán và bản sắc văn hoá dân tộc. Gia đình tôi cũng vậy, dù mọi người đã sống bên trời tây gần 30 năm, thời gian đã trôi hơn một nữa quãng đời, nhưng những hình ảnh về tết cổ truyền, tết dân tộc vẫn không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi. Bạn bè người Pháp của tôi họ dường như hiểu rõ về phong tục tết cổ truyền của người Việt nên có người nhắn tin, gọi điện chúc mừng năm mới của người Asiatique. Có người còn tỏ ra thân thiện hơn bằng cách đề nghị cho họ đến nhà “ăn tết” để được hoà hập vào văn hoá Việt Nam.
Hoạt động cộng đồng
Lan toả bên ngoài, là các tổ chức đoàn thể, cộng đồng như Hội người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam, Chùa chiền, nhà thờ...Tất cả những tổ chức này điều có hoạt động tưng bừng, sôi nổi cho kiều bào đón chào năm mới. Chính nhờ những nơi đây mà làm cho người Việt xa quê cảm thấy thân thiện, ấm cúng và gần gũi hơn. Đây là dịp để mọi người dù quen hay lạ, xa hay gần cũng được gặp gỡ, trao đổi cùng nhau, chúc tụng nhau, bởi lẽ họ có một điểm chung lớn nhất là “ăn tết Việt ở nước ngoài”, và đối với họ, tết Việt trong lòng người xa quê rất thiêng liêng và khoắc khoải. Cái thiêng liêng và khắc khoải chờ mong đó thôi thúc họ dẹp bỏ tất cả nhưng lo toan, vất vả thường ngày trên đất khách để cố gắng dành rất ít thời gian quý giá của mình cho một ngày họp mặt duy nhất trong năm tại những nơi nghiêm túc như thế này.
Hội người Việt Nam, là nơi tập trung đông nhất cho tất cả kiều bào ta, từ du học sinh, thanh niên đến người già, trẻ nhỏ... đang sinh sống tại nước ngoài, không phân biệt tuổi tác, giai tầng, nghề nghiệp... đều đoàn tụ về đây để cùng nhau vui xuân, dự lễ đón chào tết nguyên đán của dân tộc mình. Điểm chung nhất mang tính hội tụ, quây quần trong cộng đồng nhầm “gợi nhớ quê hương” đó là mọi người tập trung cùng nhau để gói “bánh chưng, bánh tét”.
Mùi hương thoang thoảng và màu xanh của lá dong, lá chuối làm cho sắc xuân lại càng xuân hơn. Vị béo của thịt heo, vị thơm của nếp của đậu xanh hoà nguyện vào nhau làm cho không gian của Hội đầy ấp mùi quê hương, đầy ấp hương vị quê nhà. Hơi nóng của bếp lò làm cho tình người xa xứ càng nồng ấm, rực lửa hơn. Có thể nói, việc gói bánh chưng, bánh tét trong ngày tết phản ánh sự biến đổi và khác biệt của người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài.
Ở trong nước, vì mọi người bận rộn quá nhiều công việc, hơn nữa, dù sao họ cũng đang sống ngay trên đất nước, quê hương mình, nên việc đi ra chợ mua vài cái bánh chưng, bánh tét về cúng là trở nên phổ biến. Còn ở nước ngoài, chỉ có gói bánh chưng, bánh tét vào ngày sắp tết mới là dịp để người Việt gợi nhớ xuân quê hương một cách sâu sắc và ấm ấp. Đồng thời, cũng là dịp để giới thiệu cho bạn bè hải ngoại biết được một loại bánh dân tộc, truyền thống đặc trưng của người Việt trong ngày tết.
Những sinh hoạt tiếp theo trong cộng đồng người Việt là bữa cơm liên hoan cuối năm, bán gian hàng tết, văn nghệ. Các hoạt động đó diễn ra rất sôi nổi và hào hứng. Bữa cơm liên hoan cuối năm như là một buổi tiệc tất niên, mọi người cùng nhau ăn mừng tổng kết, và bữa cơm này là dịp để người Việt xa quê được thưởng thức những món ăn, ẩm thực ba miền Nam, Trung, Bắc mà thường ngày họ ít khi được dùng đến. Các món bánh cuốn, chả giò {nem}, bún bò, bánh xèo, nem nướng, bì cuốn, gỏi cuốn, bánh canh cua, miến xào, gỏi sen tôm thịt...v.v... rất đậm chất quê hương làm cho mọi người cảm thấy như là mình đang “ăn” ngay chính trên quê nhà mình.
Gian hàng tết là triển lãm những bức tranh, hình ảnh về phong cảnh, quê hương, đất nước con người Việt Nam. Những hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, du lịch, chính trị... cũng được trưng bày để người Việt xa quê hiểu rõ hơn về sự phát triển của Việt Nam ngày nay. Gian hàng ẩm thực ba miền cùng các món xôi, chè, bánh ngọt... cũng được chào bán với giá rất “hữu nghị” và được nhiều người mua “ủng hộ”. Điều đặc biệt, đáng chú ý đó là có rất nhiều khách nước ngoài và sinh viên các nước du học đến xem lễ hội, họ rất say mê và thích thú với những tranh ảnh và món ăn Việt Nam. Một điểm thú vị mà tôi rất “khoái chí” là, người dân Pháp rất thích ăn món nem (chả giò) ở nhà hàng Việt Nam. Tôi do được “gia truyền” nên cũng biết làm món này, vì vậy năm nào các bạn đồng nghiệp trong cơ quan cũng đề nghị tôi phải làm mời họ khi “Nouvel an Vietnamien” đến, vậy là tôi phải mất hai ngày cho việc làm món “nem” rồi đây. Song, tôi cảm thấy rất tự hào, hãnh diện vì chúng tôi được giao lưu để hiểu biết nhau nhiều hơn về con người về ẩm thực giữa hai nền văn hoá.
Trong một hoạt động lễ hội nào cũng có phần lễ và phần hội. Các phần hội bên ngoài hội trường đã được diễn ra, tiếp sau nữa là phần “Văn nghệ”. Nhưng trước khi chương trình văn nghệ chào đón mùa xuân diễn ra là buổi lễ tổng kết năm cũ và đón mừng năm mới. Các bài phát biểu của các vị lãnh đạo cũng như cách thể hiện sân khấu mang tính “thuần Việt” làm cho người xem như hiểu rằng mình đang sống trên nước bạn nhưng đang ngồi trong một “ngôi nhà chung” của nước mình và tâm hồn luôn hướng về tổ quốc. Và rồi, các tiết mục văn nghệ là hoạt động văn hoá tinh thần được tổ chức hoành tráng: ca nhạc, múa, tiểu phẩm hài, Việt võ đạo... rất đặc sắc được trình diễn. Những ca khúc về mùa xuân về quê hương đất nước được vang lên rất hay, rất rạo rực do các bạn du học sinh và các bạn trẻ thế hệ 2 biểu diễn. Các bài hát như “Xuân đã về, xuân đã về, ta hát vang lên câu ca mừng chào xuân....”, “Xuân ơi xuân đã về, kính chúc muôn nhà gặp nhiều an vui...”, “Tết, tết, tết đến rồi, tết đến trong tim mọi người....dù đi đâu ai cũng nhớ về chung vui bên gia đình....” thật rộn ràng, vui nhộn làm cho cả khán phòng như reo vang hò theo những giai điệu, ca khúc mang sắc thái mùa xuân rất đậm đà, sôi động. Khán giả Việt dường như quên đi tất cả những lo toan, vất vả, mệt nhọc hàng ngày, họ đang hoà trong không khí tưng bừng của ngày hội xuân. Những vị khách Pháp càng xem họ càng thích thú và say mê, thậm chí có người còn nghĩ rằng họ đang xem chương trình ca nhạc tại sân khấu trong nước Việt Nam.
Yếu tố tâm linh
Hoạt động tính ngưỡng mang tính tôn giáo luôn gắng liền trong phong tục tết cổ truyền của người Việt. Giống như người Việt trong nước, người Việt ở nước ngoài cũng đi chùa hái lộc đầu năm vào đêm giao thừa, hay đi nhà thờ lạy Chúa vào sáng mồng một. Họ đi cầu nguyện cho một năm mới an lành, bình yên, hạnh phúc. Họ mong được ấm no, công việc thuận lợi, con cái ngoan hiền, hiếu thảo, học hành đỗ đạt. Họ chúc phúc nhau, vui vẻ chào nhau để cho cuộc sống luôn lạc quan và êm ấm hơn. Hơn thế nữa, họ cầu mong cho một thế giới hoà bình vì con cháu thế hệ mai sau.
Trang phục truyền thống
Một điểm đáng chú ý nữa, là “trang phục”. Chúng ta biết rằng mỗi dân tộc đều có một trang phục truyền thống thể hiện đặc trưng văn hoá tộc người, trong đó, “áo Dài” là một trang phục dân tộc của người Việt. Khi sinh sống ở nước ngoài, phụ nữ Việt ít khi có dịp mặc trang phục xinh đẹp và đầy sức quyến rũ này. Vì vậy, mỗi dịp tết nguyên đán đến, hầu như phụ nữ Việt đều mặc trên mình chiếc áo dài thướt tha và gợi cảm đó. Họ mặc áo dài để thể hiện mình là phụ nữ Việt Nam, họ mặc áo dài để tự hào, hãnh diện về một trang phục dân tộc rất đặc sắc, họ mặc áo dài để cho người nước ngoài thấy rằng đây là một dân tộc có một ngàn năm văn hiến. Và khi họ mặc vào chiếc áo dài, trông họ càng đẹp hơn, tự tin hơn khi bước trên đường phố.
Tôi còn nhớ như in, một lần trong lễ hội tết nguyên đán, tình cờ đi chung đường cùng các cô gái đang mặc áo dài, thì một số người Pháp chạy đến hỏi chúng tôi rằng “hôm nay có phải tết truyền thống của các bạn không”? “Aujourd’huit, est ce que c’est votre nouvel an ? ” Tự nhiên, không phải là phái nữ mà tôi cảm thấy dâng lên một niềm tự hào dân tộc khó tả. Rồi một lần nữa, cũng trên đường đi lễ chùa vào dịp tết, khi các mẹ, các chị và các em mặc áo dài đi từ cổng vào, tôi gặp phải một đoàn khách du lịch châu Âu đứng lại và chụp hình. Lần này cũng với câu hỏi đó mà bằng tiếng Anh, “that is ao dai”? “is this tet holiday of Vietnamese”? tôi đoán họ là người Mỹ vì họ nói giọng tiếng anh rất “Mỹ”. Ôi, tôi yêu quý con người Việt Nam, phụ nữ Việt Nam biết chừng nào, đặc biệt là khi họ mặc trên mình một trang phục truyền thống, một chiếc áo dài mà cả thế giới đều phái thốt lên “nó thật quyến rũ và độc đáo”. Chính nhờ nó mà nhiều bạn bè trên thế giới biết đến phong tục tập quán, tết cổ truyền của người Việt khi sống xa quê hương. Áo dài đã tôn vinh giá trị Việt ra khắp năm châu.
Nơi tôi ở không phải là Paris tráng lệ hay Cali hiện đại để được nhìn ngắm “chợ tết” ngày xuân nhộn nhịp và náo nhiệt. Nhưng, những gì tôi mô tả trên đây chất chứa đầy sự ấm ấp của tình người và một niềm tự hào dân tộc về xuân quê hương trên đất khách. Bởi lẽ, tôi được tham dự và chứng kiến lễ hội tết nguyên đán của người Việt ở vài thành phố khác nhau trên nước Pháp (Toulouse, Marseille, Paris.). Mỗi người Việt xa xứ đều có một hoàn cảnh và tâm trạng khác nhau về ngày tết. Song, tôi tin chắc một điều mà tất cả người Việt xa quê nào cũng luôn giữ trong tim mình đó là “bản sắc dân tộc”.
Dù biết rằng sau ngày “vui xuân” ngắn ngủi của người Việt trong ngày tết cổ truyền của dân tộc tại xứ người, tất cả mọi người sẽ trở lại công việc bận rộn với những lo toan hằng ngày, những mưu sinh, lập nghiệp, học tập, đấu tranh sinh tồn trên đất khách. Nhưng dư âm về “hương vị quê nhà” “xuân quê hương” vẫn luôn bám sâu vào trong cội rễ của con người như rễ dừa ăn sâu vào lòng đất. Ai từng đi xa quê hương, đất nước rồi mới thấy rằng dù thời gian có trôi đi, sắc màu có thay đổi, nhưng những ký ức, những niềm tự hào về một người Việt, một bản sắc Việt không bao giờ đổi thay.
Riêng tôi, vì đã chọn xứ người là quê hương thứ hai để mưu sinh, lập nghiệp, nên tôi phải sống và làm việc hết mình trên đất khách, để chứng tỏ cho bạn bè thế giới thấy rằng người Việt Nam rất chăm chỉ, cần cù, thông minh. Tôi cảm thấy rất tự hào mình mang trong người dòng máu Việt. Tôi là một người Việt có tâm hồn tinh khiết, trong sáng, luôn hướng đến Chân – Thiện – Mỹ dù có đi đâu tận chân trời góc bể. Tôi nghĩ rằng mình cũng là một trong những “kiều bào” đem niềm tự hào về cho đất nước, vì tôi là một công dân tốt, sống lạc quan, có trách nhiệm vì tất cả, đất nước tôi, quê hương tôi và gia đình tôi.
Hưng Nguyen
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xin mời xem thể lệ tại đây.