Nhà văn khẳng định, đối với anh, văn chương là chốn đi về, khiến anh được sống nhiều hơn một cuộc đời trong thời buổi mọi thứ đều ồn ã và gấp rút hiện nay.
- Có lẽ anh không phải người đầu tiên cảm nhận được sự đổi thay chóng mặt của Hà Nội trong cơn bão ồ ạt của toàn cầu hóa, của đời sống số. Tuy nhiên, anh vẫn thử sức với đề tài Hà Nội trong quá trình đô thị hóa. Điều gì thôi thúc anh nhiều đến vậy?
- Nói tôi viết về Hà Nội trong quá trình đô thị hóa cũng được, nhưng đúng hơn, tôi chọn bối cảnh một ngôi làng ven đô để kể câu chuyện của mình, để nhúng câu chuyện vào đó. Đấy là mảnh đất rất tốt để dung dưỡng các nhân vật, để các nhân vật có thể giãy dụa, cào xé, đau đớn, hy vọng và tuyệt vọng. Đó là mảnh đất cho tôi nhiều năng lượng sáng tạo để đồng hành cùng các nhân vật của mình.

Nhắm mắt nhìn trời là tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Xuân Thủy.
- “Nhắm mắt nhìn trời” là cái tên sách khá gợi, nó đã được anh “thai nghén” như thế nào?
- Năm 2011, tôi về sống tại một vùng ven đô Hà Nội. Vùng đất "nhá nhem" này đã cho tôi những trải nghiệm thú vị. Đó là nơi đang phố hóa, đang đô thị hóa về mọi mặt, cái lưỡi đô thị hóa đang bắt đầu liếm tới, là nơi rất nhiều chuyện cười ra nước mắt, những chuyện đối lập, kệch cỡm. Nơi ấy có những người nông dân chao đảo bởi những bọc tiền đền bù đất nông nghiệp, vào một ngày đẹp trời (cũng có thể là xấu trời) hàng tỷ đồng rơi trúng đầu, tưởng là niềm vui nhưng là bi kịch. Nơi ấy văn hóa làng đang bị xâm thực và phân tách, rạn vỡ khiến người ta chới với giữa những dòng chảy. Nơi ấy hàm chứa, tích tụ những bất ổn của đời sống. Tôi lặng lẽ nhìn ngắm và chiêm nghiệm. Cuộc sống hiện đại mâu thuẫn, đối chọi với lối sinh hoạt truyền thống, nhu cầu tinh thần thời hiện đại đối chọi với những tín ngưỡng dân gian... Sự bát nháo của bộ mặt nhem nhuốc "tiền đô thị" phơi bày ở khắp hang cùng ngõ hẻm. Tất cả những điều đó đã gợi mở, đã tạo cảm hứng để tôi viết "Nhắm mắt nhìn trời".
- Điều khiến anh trăn trở nhất khi cầm bút và viết "Nhắm mắt nhìn trời" là gì?
- Với một cuốn tiểu thuyết hơn ba trăm trang thì có vô số điều tác giả muốn chia sẻ. Khi nhà văn có những tâm tư không thể giải tỏa, khi những trăn trở, bức bối từ đời sống đã biến thành những trăn trở, bức bối sáng tạo văn chương thì sẽ có nhiều điều gửi gắm trong từng câu chữ. Tôi muốn để dành điều này cho bạn đọc của tôi đón nhận và giải mã những tín hiệu mà tác giả gửi gắm.
Điều ám ảnh tôi nhiều nhất khi viết cuốn sách này là sao bây giờ cái ác nhiều thế, chưa bao giờ cái ác hiển lộ và nở rộ đến như thế. Đừng tưởng cầm dao giết người mới là ác. Bạn đi mua rau bạn gặp cái ác của người nông dân canh tác rau bẩn, bạn ốm đi mua thuốc bạn gặp thuốc rởm, bác sĩ kê đơn khống để bán thuốc, bạn gặp cái ác trong y học. Ra phố bây giờ bạn thấy rất nhiều biển rau sạch, cà phê sạch, lợn sạch, gà sạch, cơm sạch... Điều ấy như một sự thừa nhận những thứ đó đa phần là... bẩn? Chưa bao giờ người ta ngần ngại ăn thứ gì đó ngoài ngôi nhà của mình như bây giờ. Cũng chưa bao giờ người ta nghi ngại trước lòng tốt của ai đó nhiều như bây giờ. Nhiều khái niệm của thời hiện đại khiến người ta mệt mỏi, thất vọng và buồn nhiều hơn. Đó là điều khiến tôi trăn trở.
- Đã có nhiều nhà văn "tự vấn" cá nhân trong những trang sách. "Tự vấn" của anh có gì khác?
- Tất nhiên mỗi người sẽ tìm ra cách sống để đối phó với thực tại. Nhìn ở góc độ bản năng sinh tồn thì là vậy. Nhưng con người cũng có quyền mơ ước một không gian sống mong muốn thay vì một môi trường sống họ phải chấp nhận. Tôi không biết những người viết khác thế nào, còn với tôi, có thể coi mỗi cuốn sách là một tự vấn. Nhắm mắt nhìn trời là một tự vấn về cái ác - thứ mà bất kỳ ai cũng có thể sa chân vào.
- Nhân vật Nguyễn nhà văn, nhà báo có phải là một hình mẫu của tác giả?
- Bất kỳ ai có sự đồng cảm với Nguyễn đều có thể là nguyên mẫu của Nguyễn. Và tôi, với tư cách tác giả, có thể là bất cứ nhân vật nào trong tiểu thuyết của mình, tôi có thể là Nguyễn, là Thành, là Minh Long, là nhà thơ Hát, là Tâm, là Nhợn... Điều tôi hướng đến khi viết là nhân vật của mình có đủ "sức khỏe" để chuyên chở hết các ý tưởng hay không, anh ta có làm một cầu nối tốt giữa tôi với bạn đọc hay không, khi khép trang sách nhân vật của tôi có ở lại trong bạn đọc hay không. Những điều đó theo tôi quan trọng hơn nhiều việc truy tìm nhân vật ấy có nguyên mẫu từ đâu.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (thứ năm từ trái qua) nhận sự chúc mừng của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình trong buổi ra mắt sách.
- Nguyễn Xuân Thủy nổi tiếng với “Sát thủ online”, “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”. Anh phải có những chuyển dịch như thế nào để thay đổi phong cách, nội dung trong tác phẩm mới?
- Được bạn đọc đón nhận và dành cho sự yêu mến là niềm an ủi, động lực với người viết nhưng cũng là một áp lực. Tôi không đo đếm xem mình "nổi tiếng" bởi cuốn sách nào, chỉ biết càng dấn sâu vào chữ nghĩa tôi càng nhắc mình có trách nhiệm và chuyên cần hơn với ngòi bút. Khi tôi đủ hứng thú để bắt đầu một cuốn sách mới nghĩa là tôi đã quên những cuốn mình viết trước đó, hay tạm gạt nó sang một bên. Việc tìm đến những đề tài mới, đổi mới nội dung, phong cách là lao động nghề nghiệp của nhà văn trước mọi cuốn sách, nó nên như một đòi hỏi thường trực.
- Dường như cuộc sống hiện đại ồn ào, bận rộn khiến cho con người rơi vào những khoảng cô đơn, trống rỗng không thể sẻ chia. Nhưng với nhà văn thì có thể đó lại là những giây phút hứa hẹn cho sáng tạo. Anh có gặp phải tình trạng này và đã “sống”, tận dụng những giây phút cô đơn ấy ra sao?
- Cô đơn được cũng tốt, nhưng là người viết thì không nên chỉ nhìn ngắm và gặm nhấm nỗi cô đơn riêng mình. Nhìn thấy những cô đơn trong đồng loại, nhận ra bi kịch của đời sống, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn ở xung quanh khiến tôi được sống nhiều hơn một cuộc đời. Điều ấy cũng mang đến giây phút thăng hoa trong sáng tạo. Khi đã sống hết mình như thế, tôi hoàn toàn thanh thản với những gì thuộc về mình, những gì mình đã làm, đã viết.
- Hiện nay, văn chương thực sự đôi lúc lép vế trước các trang mạng xã hội ào ạt từng giây từng phút. Có lẽ vì vậy mà nhiều nhà văn trẻ có tác phẩm hay nhưng không để lại dư âm bởi độc giả có nhiều mối quan tâm khác. Anh nghĩ thế nào?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ văn chương phải chạy đua với các trang mạng xã hội. Đúng là bây giờ ai cũng có thể viết văn làm thơ nhưng tôi không nghĩ ai cũng có thể trở thành tên tuổi, ngoại trừ thành tên tuổi với... chính họ. Nếu tác phẩm của ai đó, có thể là của cả chính tôi, chưa đủ dư âm hay có sức lan tỏa rộng lớn thì là do người viết chưa đủ tài, đủ tầm, chưa chạm được vào mạch cảm xúc chính của thời đại. Kể từ khi loài người có chữ viết, tất cả các giai đoạn lịch sử đã qua đều được ghi dấu bởi các tác phẩm văn học thì tại sao thời này lại không?
Văn học như là ký ức của một dân tộc, dù cho giai đoạn lịch sử ấy có nhạt nhòa thì chính cái nhạt nhòa cũng sẽ hắt bóng lên tác phẩm văn học. Hơn nữa, như tôi đã chia sẻ, những nhốn nháo, ngổn ngang của hôm nay ắt hẳn sẽ in lên trang viết những vệt ký ức khó phai mờ. Có thể chưa xuất hiện ngay, nhưng rồi sẽ có tác phẩm ghi lại phần ký ức ấy một cách đậm nét.
- Có bao giờ anh thấy nản khi cầm bút?
- Tất nhiên ở cái thời mà ngay cả không cầm bút người ta còn thấy nản thì với người viết không phải lúc nào cũng tràn trề năng lượng và hừng hực niềm yêu sống. Chúng tôi là người viết, chúng tôi ý thức được cái nản của mình, coi cái nản như một đoạn chiếu nghỉ cầu thang, cho phép mình tranh thủ vặn mình vài cái cho đỡ mỏi để tiếp tục bước lên những bậc phía trước. Cái mệt, cái nản trong lao động sáng tạo là cái mệt, cái nản chính đáng và cần thiết.
Nguyễn Xuân Thủy sinh năm 1977 tại Phú Thọ. Anh đã in 9 đầu sách, trong đó có 3 tiểu thuyết. Một số tác phẩm của anh được bạn đọc đón nhận rộng rãi như: Biển xanh màu lá (tiểu thuyết); Sát thủ online (tiểu thuyết); Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa (sách thiếu nhi). Tiểu thuyết Sát thủ online của anh được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập. Kịch bản phim tài liệu Biển xanh màu lá cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên về Trường Sa của Nguyễn Xuân Thủy đang được Hãng phim tài liệu khoa học Trung ương đưa vào sản xuất với nhân vật trải nghiệm là chính anh. |
Trần Hoàng Thiên Kim thực hiện