Nguyễn Mạnh Thường -
Qua vài câu chuyện, Thuỷ và tôi liền “bắt đúng sóng” bởi cả hai chúng tôi đều tự nhận là người Trường Sa. Mười năm trước Thuỷ từng đóng quân ở Trường Sa lớn với chức vụ là nhân viên báo vụ của Trạm Rađa 11, Sư đoàn Phòng không 377 (Quân chủng Phòng không - Không quân). Còn tôi thì cũng khoảng thời gian ấy, lúc còn công tác ở Vùng 4 Hải quân cũng đã được cùng những con tàu của mình ra Trường Sa trên dưới chục lần.
Năng khiếu văn chương của Thủy bộc lộ từ hồi còn là cậu học sinh trung học phổ thông của huyện miền núi Hạ Hoà (Phú Thọ), nhưng rồi những ước vọng đầu đời đã theo chân Thủy vào quân ngũ. Làm quen với những ngày tháng huấn luyện trên thao trường, sống cuộc sống gian khổ của người chiến sĩ nhưng những mầm văn vẫn ấp ủ trong chàng lính trẻ vẫn ấp ủ trực chờ trỗi dậy. Và nó vẫn theo chân Thủy từ Bắc vào Nam trong những lần chuyển đơn vị để rồi đến một ngày bật những chồi xanh. Tác phẩm đầu tiên Thuỷ viết về người lính biển là truyện ngắn “Hoa biển”. Trước khi lên tàu ra Trường Sa làm nhiệm vụ, Thuỷ đưa bản thảo truyện ngắn của mình nhờ một anh ở đơn vị đánh máy giúp và viết kèm theo một lá thư để gửi ra Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Thật ngạc nhiên bởi đó là một truyện ngắn viết về mối tình của một anh lính Trường Sa với cô tiếp viên quán cà phê trong đất liền - Thủy đã viết về lính Trường Sa khi chưa hề đặt chân đến mảnh đất thiêng này.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. |
Ra Trường Sa công tác, bẵng đi một thời gian, nhân một hôm có anh lính công binh mới từ đất liền ra xây dựng đảo báo tin là truyện ngắn của Thuỷ đã được in. Thuỷ đã nhờ người đồng đội ấy đi tìm cuốn Văn Nghệ Quân Đội cho mình, đến khi tìm được về thì cuốn tạp chí được lính đảo chuyền tay đọc đã quăn hết mép. Khó nói hết những cảm xúc của Thủy lúc đó bởi truyện ngắn đầu tay của mình đã được đăng trang trọng. Truyện ngắn này sau đó còn được chọn đọc trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. “Đó là tác phẩm văn học đầu tiên của tôi được đăng báo và đó cũng là động lực, là dấu mốc khiến tôi quyết định theo đuổi con đường cầm bút” - Thuỷ nhớ lại. Và tiếp đó, những bài báo, những tác phẩm văn học viết về Trường Sa cứ lần lượt ra đời bằng sự cảm nhận của một anh lính đang sống và làm việc ở chính nơi đầu sóng ngọn gió ấy.
Ngay từ khi Biển xanh màu lá mới xuất bản (năm 2008), nhà văn Nguyễn Đình Tú, Trưởng ban Văn xuôi, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội đã nói với tôi rằng, Biển xanh màu lá của Nguyễn Xuân Thuỷ là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết trực diện về người lính Trường Sa. Trước đó, có tập truyện Đảo chìm của nhà thơ Trần Đăng Khoa nhưng cũng được viết khá lâu rồi.
Tiểu thuyết Biển xanh màu lá đã khắc họa sinh động cuộc sống của người lính Trường Sa bằng cảm nhận của “người trong cuộc” với một giọng văn tươi trẻ, đậm chất lính. Tác phẩm được Thủy viết trong khoảng thời gian 2003 - 2006. Những hồi ức, những tư liệu về Trường Sa cứ ăm ắp tràn về tạo thành cảm xúc mãnh liệt để “hắn” viết nên tiểu thuyết này.
Tôi hỏi, “cớ sao lại đặt tên cho tiểu thuyết của mình là Biển xanh màu lá”? Thủy nói rằng, ở Trường Sa có những vùng biển rất kỳ lạ, nước ở đó mang màu xanh lá cây, từ thực tế đó đã tạo cảm hứng để Thủy đặt tên cho tiểu thuyết. Còn một lý do nữa để Thủy chọn cái tên này với hàm ý Biển xanh màu lá là biển của người trẻ, biển trong mắt những người trẻ, lý tưởng của người trẻ... Thuỷ kể rằng, trong chuyến trở lại Trường Sa năm 2008, ấn tượng nhất đối với Thuỷ là cuộc sống trên đảo đã được cải thiện nhiều, đã có sóng điện thoại, tivi, thậm chí là Internet phục vụ nhu cầu tinh thần của anh em cán bộ chiến sĩ. Các đảo nổi bây giờ màu xanh của cây cối đã phủ kín, không còn cảm giác trơ trụi như ngày trước. Thứ duy nhất không thay đổi đó là biển. Biển vẫn thế, vẫn có những khoảng nước xanh ngắt màu lá!
Sự khích lệ, sẻ chia của bạn bè đồng nghiệp và bạn đọc, nhất là những người lính Trường Sa với những phản hồi tốt về Biển xanh màu lá đã tiếp thêm niềm hứng khởi để Thủy tiếp tục viết thêm những tác phẩm về biển. Năm 2011 này, Thủy đã ra mắt bạn đọc một cuốn sách dành cho cho các độc giả nhí, cuốn sách mang tên “ Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”. Cùng với đó, tiểu thuyết Biển xanh màu lá cũng mới được Nhà xuất bản Phụ nữ tái bản. Những cuốn sách về Trường Sa ra mắt trong năm 2011 đúng vào thời điểm tròn 10 năm Thủy chia tay với Trường Sa, vì thế với “hắn” lại càng có ý nghĩa.
Từ khi nhập ngũ, năm 1996, cho đến nay Nguyễn Xuân Thủy đã chuyển đơn vị đến lần thứ… tám. Được đi nhiều nơi, sống ở nhiều vùng miền với một người viết như Thủy là thứ vô cùng quý giá. Hiện tại Thuỷ đã cho ra đời 6 đầu sách trong đó hai tiểu thuyết Biển xanh màu lá và Sát thủ online như hai thái cực văn chương trái ngược nhưng lại có điểm chung là cả hai đều nhận được sự quan tâm của bạn viết, bạn đọc. Với sức viết dồi dào, nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, hình ảnh người lính vẫn chiếm một mảng quan trọng trong các sáng tác của Thuỷ, chàng lính trẻ viết văn cũng đã giành được nhiều giải thưởng có uy tín. Gần đây nhất, Thủy đã giành giải nhất trong cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức với cuốn tiểu thuyết đề cập đến vấn nạn của xã hội đương đại: tội phạm internet. Hiện tiểu thuyết này cũng đã được Nguyễn Xuân Thủy ký hợp đồng với Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam để chuyển thể thành phim truyền hình dài tập.
“Còn với Trường Sa?”, tôi hỏi. “Trường Sa đã ngấm vào máu thịt, là tâm huyết của tôi vì thế nếu như tôi còn viết về Trường Sa thì cũng là lẽ đương nhiên”, Thuỷ đáp. Tôi hiểu, Nguyễn Xuân Thuỷ viết về nơi đầu sóng ngọn gió này bằng tình yêu chân thành, tha thiết đối với quần đảo yêu thương mà một thời Thuỷ từng gắn bó, nơi đã cho Thuỷ biết bao kỷ niệm buồn vui và tiếp thêm cho Thuỷ cảm hứng, nghị lực trên con đường văn chương của mình.
Nguyễn Xuân Thuỷ đang công tác tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân với vai trò biên tập viên Phòng sách văn nghệ kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Quân Sự. Đã in 6 đầu sách: Trong mênh mang bầu trời (Tập ký, NXB Quân đội nhân dân, 2007); Biển xanh màu lá (Tiểu thuyết, NXB Quân đội nhân dân, 2008); Dòng đời cuộn chảy (Tập truyện ngắn, NXB Công an nhân dân, 2008); Khát vọng dưới đỉnh Fansipan (Tập ký, NXB Quân đội nhân dân, 2009); Sát thủ online (Tiểu thuyết, NXB Công an nhân dân, 2010); Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa (Sách thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2011). Hai tiểu thuyết Biển xanh màu lá và Sát thủ online đã được tái bản năm 2011. |