Vườn rau của mẹ chắc cũng đã xanh tươi, nhớ lắm những cánh lá rau mơn mởn, vườn rau ngày Tết lại càng thêm thi vị.
Năm nào mẹ cũng miệt mài với những công việc bếp núc, vườn tược và… những công việc không tên. Từ ngày cả hai chị em cùng đi học xa nhà, mẹ càng chăm sóc và mở rộng những luống rau hơn. Mẹ bảo rau trên thành phố toàn rau không sạch, ăn vào dễ bị bệnh. Những dịp về thăm nhà, thăm mẹ là mẹ tôi lại đùm rau “bắt” chị em tôi phải xách lên Hà Nội.

Ngoài việc lo cho đàn gà những ngày Tết sắp tới, mẹ không quên cuốc đất, cày xới để tạo thêm những luống rau xu hào, đậu đỗ và cả một vườn rau thơm từ xà lách, rau mùi, kinh giới, húng chó cho đến dấp cá. Mẹ bảo cả nhà ai nấy đều có thú vui tao nhã là ăn rau sống kèm cơm, nên tự trồng sẽ đảm bảo vệ sinh và không lo bị bệnh.
Có những tuần trên thủ đô, chị em tôi đau đầu vì nghĩ cách chế biến các món ăn từ khoai tây và su hào, những chiến lợi phẩm thu hoạch sau vụ mùa trồng rau củ. Chúng tôi coi đó là niềm tự hào vì những sản phẩm quê nhà mang tính “cây nhà lá vườn”.
Một đợt đám bạn có thiện ý muốn về nhà tôi thăm chơi, tôi nảy ra ý tưởng làm nồi lẩu “ngon, bổ, rẻ” tại gia. Vừa “hạ cánh” xuống nhà tôi, đám bạn mắt tròn, mắt dẹt nhìn luống rau xanh mơn mởn trong vườn, rồi nháo nhào chạy bổ lại bên cây táo đang sai trĩu quả. Quay đầu lại là cây hồng xiêm, quả lớn quả nhỏ nặng trĩu. Hàng chuối vẫn khí thế đứng chắn bên bờ ao. Công cuộc thực hiện một nồi lẫu tự cung tự cấp diễn ra trong không khí vui tươi và rất hào hứng. Chúng tôi phân công nhau ra vườn người ngắt ngải cứu, người nhổ cà rốt, người hái các loại rau cải, từ rau cải cúc, bắp cải cho đến cải ngọt, cải thảo…
Hai bạn nam chạy ra vườn bắt gà, nhà tôi rộn tiếng cười nói râm ran. Mẹ tôi nhìn chúng tôi âu yếm và cười hạnh phúc. Nồi lẩu ấm cúng đã hoàn tất, đám bạn đứa nào đứa nấy đều thán phục mẹ tôi và ngưỡng mộ vườn rau xanh mướt, rau gì cũng có của mẹ.
Một cái Tết nữa đang đến gần, vườn rau của mẹ ngày một đa dạng hơn. Mẹ trồng thêm củ cải đường, các loại hành, thì là, gừng, giềng, xả, ớt. Cây quất từ Tết năm ngoái đã ra quả, nhánh đào xuân năm trước cũng ngập tràn sắc thắm. Tất cả đều nhờ công vun trồng của một tay mẹ tôi.
“Bàn tay mẹ trải qua bao sương gió
Luống rau mẹ trồng những giọt mồ hôi
Suốt đời này con mãi nhớ công ơn
Công dưỡng dục công sinh thành còn mãi”
Bài thơ tặng mẹ, bài thơ của một đứa con gái không chuyên văn, không biết bày tỏ tình cảm, nhiều lần làm mẹ buồn. Tiếng lòng gửi vào những vần thơ được viết ra bằng tất cả tình cảm của một người con.
Tôi dặn lòng cố gắng không làm mẹ buồn, không được tạo thêm những nếp nhăn trên gương mặt mẹ và rằng mẹ vẫn chưa có tóc bạc, có chăng chỉ là tôi muốn giúp mẹ nhổ tóc sâu. Tôi không muốn mẹ nghĩ rằng đã già thêm một tuổi dù biết rằng xuân sang không ngăn được tuổi đến.
Trong con mắt ngây thơ của hai chị em, mẹ vẫn thật trẻ lắm, trẻ hơn rất nhiều so với số tuổi ngũ tuần của mẹ. Mẹ là người luôn mang đến niềm vui cho cả gia đình, mẹ ôn hòa trong lời ăn tiếng nói với mọi người trong làng trên xóm dưới, là một nàng dâu mẫu mực, một người mẹ hiền của hai đứa con ngoan và là một người vợ yêu thương chồng rất mực.
Tôi chỉ biết gửi vào những con chữ vô hồn trên những trang nhật ký về tình yêu và lòng kính trọng dành cho mẹ. Năm tháng qua đi, đông qua - xuân tới - Tết về, chúng con lại dâng lên một nỗi nhớ, con muốn thật nhanh chạy tới bên mẹ và thì thầm vào tai mẹ: “Con yêu mẹ, con nhớ mẹ và con xin lỗi mẹ”.
Tết năm nay, sau những “cuộc chiến” với thịt mỡ, dưa hành cả gia đình lại quây quần bên nồi lẩu, với những nguồn thực phẩm tự có trong vườn - đó chính là vườn rau của mẹ.
Cuộc thi "Mẹ mang xuân về" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Công ty Unilever Việt Nam tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Bạn có thể viết về tình yêu với mẹ, ý tưởng thiết thực để cảm ơn người sinh thành... Chương trình diễn ra trong 3 tuần từ ngày 27/12/2013 đến 16/1/2014. Độc giả gửi bài tham gia tại đây. |
Nguyễn Thị Ngọc