Tuyết ở Atlanta. Ảnh: fineartamerica |
Mỗi một ngày trôi qua như mọi ngày. Buổi sáng tôi tất bật với ly cà phê khuấy vội, phóng nhanh ra khỏi nhà để kịp tới nơi làm việc, 10 tiếng đồng hồ thật dài trong ngày trôi qua, tôi phải luôn đối diện với nhiều áp lực và những công việc cần phải “bằng mặt” chứ không hề bằng lòng, một ngày nặng nề đi qua để đến khi được quay về nhà là lúc đêm sắp về.
Khái niệm về thời gian với tôi từ lúc nào đã trở nên rất đơn giản, chỉ những ngày trong tuần cần phải nhớ là: hai, ba, tư, năm, sáu, bảy và sau cùng là chủ nhật. Những cuốn lịch có lẫn ngày âm lịch và ngày dương lịch đã dần dần mai một trong tôi.
Tháng chạp mà tôi nhận ra được là khi thấy những siêu thị người Việt bắt đầu bày biện những thứ bánh, mứt, hoa, quả, quà biếu xanh, đỏ đủ màu. Những ngày cận Tết mà tôi nhận biết được là lúc nghe mẹ nhắc nhở về việc mua quà tặng biếu thông gia, rất đơn điệu nhưng cũng đủ cho tôi biết Tết đến rồi.
Nhưng cuộc sống với dòng trôi của thời gian ở nơi này luôn được tôi cảm nhận qua nhanh hơn nơi quê nhà, những vội vàng cuốn theo nhịp sống, những áp lực của công việc, của đồng tiền tôi không còn đủ sức lực để mơ về với Tết quê xưa, không còn sự bình an của tâm hồn để yên lòng lắng nghe cảm xúc bâng khuâng rất kỳ diệu, rất ngọt ngào nao nao những ngày cận Tết!
Tôi cố nhớ nhưng vòng quay của thực tế lập tức bắt tôi phải quay trở về với thực tại đời thường. Cụm từ “Xuân về ấm áp” đối với người Việt ở Mỹ (trong đó có tôi) có chăng chỉ còn lại trong thi ca và sách báo vì những cơn mưa phùn, những trận giông to, những ào ào bão tuyết vẫn cứ vô hồn, thản nhiên đổ xuống để cho tất cả những người Việt tha phương phải đón xuân về giữa giá băng.
Ngày cuối cùng của năm rồi cũng đến….
Tôi cô đơn giữa lòng xuân, không pháo, không hoa, không dưa cà, bánh mứt, một đòn bánh tét (do người bạn gửi biếu) nằm chơ vơ nơi bàn ăn ở nhà bếp không đủ làm trong tôi sống lại những giây phút hồi hộp chờ đợi giờ khắc giao thừa. Không thể làm cho lòng tôi chùng xuống đủ để bật khóc vì nhớ nhà, nhớ quê, nhớ bạn bè, láng giềng như những năm đầu đón xuân nơi đất khách…
Ngoài kia, người người kéo nhau đi chùa hái lộc đầu năm, cúng sao, giải hạn. Những người theo tín ngưỡng Phật giáo vẫn luôn có một niềm tin vào chuyện “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Ngoài kia, người người đổ dồn về khu trung tâm thương mại của người Việt để tham gia “hội chợ mừng Xuân”. Những màn trình diễn văn nghệ, những màn thi hoa hậu cho cả thanh thiếu niên, những gian hàng thực phẩm, những gian hàng trò chơi, tuy không thể tưng bừng nhộn nhịp như phía bên kia quả địa cầu nhưng tất cả đều mang đậm nét quê hương. Mọi người ai cũng đang cố nắm níu để tìm về.
Mười tám cái Tết đã qua, năm nào tôi cũng thức thật khuya để hồi hộp chờ đón giây phút chuyển giao đặc biệt của thời gian. Không làm gì hết tôi chỉ muốn nghe chuông đồng hồ điểm 12 nhịp để cảm nhận được rằng “năm cũ đi qua, năm mới đến”. Tôi luôn luôn dành khoảnh khắc thiêng liêng đó để gọi điện thoại chúc Tết tất cả những người tôi yêu thương, để cùng gợi nhớ và hoài niệm.
Đêm cuối cùng của năm tôi cố gắng lập lại những gì tôi đã làm như 18 cái Tết trước, nhưng sự mệt mỏi đã không nhường chỗ cho lòng háo hức của tôi, sức lực căng thẳng làm người tôi rũ xuống và chìm ngay vào giấc ngủ. Tôi đón giao thừa đến sớm lúc 10 giờ, để 12 nhịp gõ của giờ khắc thiêng liêng nhất trong năm tôi đã không cảm nhận được như bao mùa Tết năm xưa….
Lại một năm mới đến với tôi, lại bắt đầu một ngày mới trong năm, và bắt đầu mỗi một ngày trôi qua như mọi ngày.
Tết,vẫn hoài trong tôi, trong lòng tất cả người Việt hải ngoại, dù có thể chỉ còn là hoài niệm nhưng chắc chắn hơn 3 triệu người Việt trên khắp bốn biển năm châu ai cũng mong ít nhất có một lần được đặt chân trở về nơi xưa ấy, được một lần thật sự ấm áp giữa lòng Xuân Quê hương.
Atlanta, ngày 30 tháng 1 năm 2012
Vũ Tường Vân