![xu-wales-va-bai-hoc-cho-bong-da-anh](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2016/07/10/1-7091-1468136612.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qt_4FPX4RWXmuDKhl2zqMA)
Tam sư như “người anh cả” đại diện cho gia đình Liên hiệp Anh thi đấu ở giải lớn. Lúc nào cũng được đặt niềm tin, hùng trống kêu vang có thể đánh bại bất cứ đội tuyển nào. Tuy nhiên từ chức vô địch World Cup 1966 cho tới nay, hầu như tuyển Anh đều vô duyên với danh hiệu, dù có từng giai đoạn sở hữu những “thế hệ vàng” dạng bậc nhất thế giới.
Điển hình EURO 1996 ngay trên quê nhà, thế hệ David Seaman, Alan Shearer, Paul Gascoigne, Steve McManaman…gục ngã trước tuyển Đức ở bán kết. Và đấy cũng là lần hiếm hoi nhất trong 20 năm trở lại đây, người Anh góp mặt ở một trận bán kết. Còn lại, họ gục ngã dưới mọi hình thức, loại vòng bảng có, thua penalty không thiếu và bại trận tâm phục khẩu phục không thừa.
Ở đây, chúng ta không thể vin hai chữ “vô duyên” cho những gì đội tuyển bóng đá Anh nhận được. Bởi không ai cứ vô duyên hết lần này đến lần khác mãi, phóng viên thể thao xuất sắc nhất nước Anh năm 2015 Matthew Syed đưa ra bình luận: “Phong cách huấn luyện của người Anh vốn dĩ yếu kém từ tận gốc rễ”. Họ thích kiểu thành công mì ăn liền, thích rập khuôn phương pháp huấn luyện người khác, không bao giờ dám đương đầu rồi nhận thất bại để gặt hái kết quả với những sáng kiến táo bạo về mặt chiến thuật. Nói một cách khác, thuyền trưởng của tuyển Anh hay CLB nào được chiến lược gia người Anh dẫn dắt, họ chẳng hơi sức đầu mà dạy một cầu thủ trẻ những bài tập vốn dĩ không phải sở trường của anh ta.
Tuyển Anh rất sợ khó, và một khi đã sợ khó lấy gì thành công. Đối chiếu vào chiến dịch EURO 2016 lần này mà xem, Tam sư có thành tích tốt ở vòng loại, truyền thông nhảy vào thổi phòng như men theo căn bệnh cũ. Chúng ta có thể gán tội truyền thông Anh, nhưng ở một gốc độ nào đó, lỗi không hoàn toàn thuộc về họ, bởi họ chỉ bám vào tính chất công việc mà thực thi. Phần lớn sai trái kia nằm ở thành phần đội tuyển, đó là những cầu thủ mộng mị cho năng lực bản thân, quen thối cưng chiều đến tận răng. Được dẫn dắt bởi Roy Hodgson giàu kinh nghiệm, nhưng chẳng biến hóa khôn lường theo từng thời điểm. Thậm chí, yếu kém luôn cả khía cạnh vực dậy tinh thần học trò như Antonio Conte hay Diego Simeone làm bấy giờ.
Trước Iceland, Tam sư thua không phải vì chiến thuật hay trình độ từng cầu thủ, họ thất bại bởi yếu tố tinh thần. Đúng như câu “hiệp lộ tương phùng dũng giả thắng”, hai đối thủ gặp nhau trên con đường độc đạo, người dũng cảm sẽ thắng. Đoàn quân HLV Heimir Hallgrimsson có được kết quả viên mãn dựa trên ý chí người Viking, nhìn xem, hàng ngàn người chào đoán họ về nước như thể người hùng, dù thất bại nhưng đã làm rạng danh bộ mặt đất nước. Còn các cầu thủ Anh thì sao? Lầm lũi cúi mặt bước đi, sau đó nhận vô số chỉ trích từ những đàn anh đi trước. Steve McManaman lên án toàn đội, Gary Lineker nhìn Pháp đánh bại Iceland mà “đá đểu” Tam sư…
Họ rồi sẽ nghĩ sao khi tỷ lệ người xem truyền hình vừa qua tăng lên vì Xứ Wales, 70% dân số xứ sương mù ủng hộ đoàn quân HLV Chris Coleman. Thậm tệ hơn, thủ tướng David Cameron còn gửi lời chúc mừng. Mọi điều gián tiếp nói lên rằng, Tam sư đang bị quay lưng bởi chính người nhà của họ. Đó là hệ lụy của việc cứ liên tục giày xéo vết thương vào lòng người hâm mộ, “tức nước vỡ bờ” theo lẽ của tự nhiên.
Xứ Wales cũng dừng chân trước Bồ Đào Nha ở bán kết, nhưng “đứa em nhỏ” đã dạy cho “người anh cả” trong gia đình Liên hiệp Anh bài học. Thứ nhất, đừng quá ảo tưởng vào sức mạnh có được, chớ lấy yếu tố lịch sử chống lưng cho sân chơi bóng đá hiện đại. Thứ hai, không nên mụ mị vào những lời truyền thông đồn thổi, đừng trông chờ vào màn tỏa sáng của bất kỳ cá nhân nào mà nên dựa vào đoàn kết tập thể. Thứ ba, chấp nhận thay đổi để làm nền bóng đá thành công hơn, xứng đáng với cái “nôi” môn thể thao vua.
Cựu thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói: “Thành công là bước qua những thất bại mà không mất đi sự hăng hái”. Tiếc thay, cả nền bóng đá Anh không thấm nhuần đi triết lý ấy từ một bậc kỳ tài chính trị được sinh ra ngay trên đất nước mình. Ngược lại, nên bóng đá Xứ Wales có được điều đó.
Con người nên thâm căn cố đế những cái tốt - hay để đi lên sự phát triển, điều đó luôn được ủng hộ lẫn tán dương. Nhưng cái kiểu thâm căn cố đế của bóng đá Anh chỉ khiến cho người ta chán ngán, quay lưng bỏ đi mà thôi. Tỉnh lại đi trước lúc quá muộn FA à!
Kiên Chí