Bác sĩ Phạm Thị Dung công tác tại Đơn vị Châm cứu, Viện Y Dược Học Dân Tộc TP HCM cho rằng ngất và xỉu là 2 khái niệm khác nhau. Xỉu là tình trạng mất ý thức không hoàn toàn, bệnh nhân có thể nghe và nhận biết xung quanh. Ngất là tình trạng mất ý thức đột ngột, bệnh nhân không nhận biết xung quanh. Có nhiều nguyên nhân gây ngất:
- Ngất do đối giao cảm (hay còn gọi là ngất đơn thuần), thường gặp và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Yếu tố thúc đẩy gồm cảm xúc, mệt mỏi, mất máu, đứng lâu. Bệnh nhân thường hồi phục ý thức nhanh, trong khoảng từ vài giây đến vài phút.
- Ngất do tim mạch xảy ra khi nằm nghỉ, sau khi gắng sức hay có tiền sử bệnh tim như ngừng tim, rối loạn nhịp, hẹp động mạch chủ, động mạch phổi, phình bóc tách động mạch chủ, tăng áp động mạch phổi.
- Ngất do mạch máu não: Đột quỵ, thiểu năng động mạch sống nền, migrain, bệnh takayasu, ngất do xoang cảnh.
- Ngoài ra ngất còn do một số nguyên nhân khác như hạ huyết áp tư thế, tăng thông khí, ngất do ho, tâm lý...
Xử trí khi có người ngất xỉu:
Đầu tiên cần tiến hành sơ cứu. Đặt bệnh nhân nằm đầu thấp hơn chân, cho ngửi tinh dầu thơm, nới quần áo chật hoặc những chỗ thắt chặt khác. Ðể đầu quay sang một bên nhằm đề phòng tụt lưỡi vào cổ họng hoặc hít chất nôn vào phổi. Nếu thân nhiệt thấp hơn bình thường thì cho đắp chăn ấm, đồng thời gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện để xử trí tiếp theo và tìm nguyên nhân có hướng điều trị tiếp tục.
Phương pháp ấn Nhân trung trong sơ cứu ngất: Theo y văn, huyệt Nhân trung có tác dụng khai khiếu, thanh nhiệt, định thần chí. dùng trong điều trị méo miệng, tê môi trên, cấp cứu ngất. Phương pháp này đã được nghiên cứu có tác dụng. Lưu ý nếu nạn nhân ngất, đầu tiên cần tiến hành sơ cứu như trên và gọi xe cấp cứu ngay. Trong thời gian đó có thể sử dụng phương pháp ấn Nhân trung để hỗ trợ người bệnh tỉnh lại. Phương pháp này cần phải làm nhanh, mạnh, dứt khoát ở vị trí huyệt nằm giữa 1/3 trên và 2/3 dưới rãnh nhân trung.
Có một phương pháp thường được người dân áp dụng trong những trường hợp ngất xỉu là châm 10 đầu ngón tay (hay châm huyệt Thập Tuyên). Cách làm này được truyền rộng rãi trong dân gian, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh có hiệu quả khi cấp cứu ngất. Bác sĩ khuyến cáo châm đầu ngón tay nếu thực hiện một cách tùy tiện có nguy cơ gây nhiễm khuẩn cao, thậm chí dẫn tới nhiễm trùng huyết. Do đó không có khuyến cáo sử dụng trong điều trị ngất dù là nguyên nhân nào.
Theo bác sĩ Dung, Thập Tuyên là tập hợp huyệt nằm trên 10 đầu ngón tay. Vị trí huyệt nằm chính giữa 10 đầu ngón tay, cách đầu móng ngón tay 0,1 thốn. Theo Cẩm nang Châm cứu của Lưu Viêm Chủ, phương pháp châm huyệt Thập Tuyên hiệu quả trong điều trị các chứng bệnh nhức đầu, choáng váng, hôn mê, cơ thể quá nhiệt, trẻ con bị kinh phong, tê đầu ngón tay. Khi thực hiện, yêu cầu phải sát trùng vùng đầu 10 ngón tay, dùng kim châm cứu vô trùng châm thẳng vuông góc từ 0,1 đến 0,2 thốn hoặc sử dụng kim 3 cạnh vô trùng chích lễ máu tại huyệt.
Bác sĩ Dung lưu ý, kỹ thuật châm huyệt Thập Tuyên đòi hỏi dụng cụ và kỹ thuật đảm bảo vô trùng, do đó chỉ nên thực hiện ở bệnh viện bởi thầy thuốc. "Trường hợp nạn nhân ngất ở nhà, ngoài đường hoặc bất cứ nơi nào không có đủ điều kiện vô trùng mà thực hiện châm đầu ngón tay có thể gây nhiễm trùng cho người bệnh. Do đó không nên áp dụng", bác sĩ nói.
Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net