Theo bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn, Khoa Nội Tổng quát, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm siêu vi thường gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, cũng có thể gặp ở người trưởng thành. Bệnh thường xảy ra quanh năm, cao điểm khoảng tháng 2 đến tháng 4 và tháng 9 đến tháng 12.
Bệnh thường khởi phát với sốt, ăn không ngon, mệt mỏi và đau họng. Khoảng hai ngày sau xuất hiện các vết loét đau bên trong miệng và họng. Những chấm nhỏ màu đỏ phồng rộp và vỡ ra thành các vết loét ở trên lưỡi, nướu răng, mặt trong má. Người bệnh phát ban da sau đó hai ngày ở bàn tay, bàn chân, đôi khi ở mông hay vùng sinh dục. Mụn nước ở da có đường kính 2 đến 10 mm, hình bầu dục hoặc hơi tròn, nổi lên hay ẩn dưới da trên nền hồng ban, không đau, khi mụn nước khô để lại vết thâm da. Nhiều trường hợp chỉ có triệu chứng phát ban hoặc đau họng.
Bệnh tay chân miệng có 4 phân độ, độ một gồm loét miệng hoặc tổn thương ở da; độ hai run cơ, hốt hoảng, chới với; độ 3 yếu liệt chi, liệt dây thần kinh, co giật, hôn mê; độ 4 tăng huyết áp, trụy mạch, suy hô hấp, phù phổi.
Người bệnh có thể gặp các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, hội chứng giống bại liệt. Các biến chứng này có tỷ lệ tử vong cao và diễn tiến rất nhanh, có thể trong một ngày.
Bệnh lan truyền từ người sang người qua các tiếp xúc trực tiếp, thường gặp nhất là qua bàn tay và các bề mặt bị nhiễm. Thời gian ủ bệnh 3 đến 7 ngày. Người nhiễm bệnh có khả năng lây truyền siêu vi cao nhất trong tuần đầu tiên và khả năng lây truyền ra ngoài môi trường vẫn còn tiếp diễn nhiều tuần sau đó. Trong một đợt dịch bệnh, trẻ có thể mắc bệnh tái phát nhiều lần cho đến sau 5 tuổi mới có miễn dịch hoàn toàn với bệnh.
Bác sĩ Tuấn cho biết hiện nay bệnh chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng và có thể điều trị tại nhà cho các trẻ bị bệnh độ một. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, dùng thức ăn lỏng, mềm, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.
Trẻ cần hạ sốt, giảm đau bằng cách lau mình với nước ấm, dùng paracetamol 10-15 mg trên một kg cân nặng trong mỗi 4 đến 6 tiếng. Súc miệng với nước muối pha loãng, không cạy vỡ các bóng nước để tránh làm nhiễm trùng. Sử dụng thêm các sinh tố C, PP, A và kèm theo toa bác sĩ để hỗ trợ cho da, niêm mạc mau lành. Khi có bội nhiễm nên dùng kháng sinh theo toa thuốc của bác sĩ và tái khám hai ngày một lần trong 7 ngày đầu của bệnh
"Khi có một trong các triệu chứng như sốt cao trên 39 độ, giật mình, hốt hoảng, quấy khóc, bứt rứt, run chi, co giật, da nổi bông, nôn ói nhiều thì cần đưa trẻ vào bệnh viện ngay", bác sĩ Tuấn nói.
Trẻ thường rất biếng ăn, thậm chí bỏ ăn do các vết loét trong miệng thường gây đau. Vì vậy, trẻ nên ăn các thức ăn mềm, mát, dễ nuốt như bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai. Cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày. Muỗng dùng nên tránh loại có cạnh sắc bén. Khi trẻ giảm bệnh (thường sau 4 đến 5 ngày) cho ăn trở lại bình thường, không kiêng cữ.
Để phòng ngừa bệnh, mọi người nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi đi vệ sinh. Nếu chăm sóc trẻ thì phải rửa tay sau khi thay quần áo, thay tã, hoặc sau khi tiếp xúc với những vết loét, phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ bệnh. Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, nền nhà bằng nước và xà phòng và khử trùng bằng cloramin B 5%. Đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho. Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và cách ly tại nhà cho đến khi khỏi bệnh, ít nhất là 7 ngày.