Tết này thị trường bia "toang" thực ra là do tình trạng tiêu thụ nước uống có cồn giảm mạnh vì nhiều nguyên nhân, như: Quy định cấm biếu tặng quà cấp trên, dân trí ngày một nâng cao, đa phần đã nhận thức rõ tác hại của bia rượu mang lại. Đặc biệt, việc cắt giảm chi tiêu cho thứ vô bổ đến mức có hại này, còn do hầu bao người dùng ngày một eo hẹp lại. Trong khi đó, giá cả ngày tết hầu như cái gì cũng tăng.
Tác hại của rượu bia không chỉ gây tai nạn khi tham gia giao thông, mà còn gây ra nhiều vụ việc đau lòng như hiếp dâm, gây gổ có thương tích thậm chí là án mạng tại nhà, tại bàn nhậu, khi con người để cho "con ma men" điều khiển. Việc này đã được minh chứng qua hàng chục cái tết và trong cả những ngày thường.
Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân rất quan trọng, thú vị mà ít được để ý đến, đó là có rất nhiều người điều kiện tiền bạc khiêm tốn, hoặc tửu lượng thấp, thậm chí có người có tiền, tửu lượng khá nhưng vẫn ghét nhậu. Tuy nhiên, họ vẫn phải nhậu vì lý do xây dựng, duy trì, phát triển hoặc giữ mối quan hệ trong làm ăn lẫn tình cảm... Vì vậy, Nghị định 100 của Chính phủ, như một chiếc phao cứu sinh cho các đối tượng này: Họ đã có lý do chính đáng để giảm nhậu hoặc nói không với nhậu.
>> Tâm lý 'làm cả năm xả hơi vài ngày' khiến Tết méo mó
Thêm nữa, Nghị định 100 của Chính phủ như một cách "Thuận nước đẩy thuyền", như chất xúc tác mạnh cuối cùng để người tiêu dùng cắt giảm hầu bao trong điều kiện kiếm tiền quá khó khăn. Họ cần "tinh giản" thùng bia để thay vào đó bằng một thùng sữa hoặc cân thịt.
Những ý kiến trên cũng chỉ từ suy nghĩ chủ quan của cá nhân tuy nhiên, tôi cũng là người tiêu dùng, cũng là người lao động, nên có thể hiểu được phần nào tâm lý và lý do giảm nhậu như hiện nay.
Qua đây, tôi ủng hộ việc giảm sâu ăn nhậu. Bởi nó gây lãng phí tiền của của nhà nước lẫn nhân dân, gây suy giảm sức khoẻ, thời gian, năng suất lao động, gây bất ổn xã hội và xa hơn, nghiêm trọng hơn là sự suy giảm chất lượng giống nòi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.