Theo bản tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri được Ban Dân nguyện gửi tới đại biểu Quốc hội, người dân Ninh Thuận, Đà Nẵng đề nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu thêm quy định về việc không gọi nhập ngũ vào quân đội đối với công dân xăm da (bằng kim), có hình mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay, chân...
Cử tri cho rằng, có nhiều công dân trong độ tuổi nhập ngũ đang lợi dụng quy định trên để không thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ngược lại, có người lỡ xăm da vẫn mong muốn thực hiện nghĩa vụ thì quy định lại không cho phép.
Giải đáp nội dung này, Bộ Quốc phòng khẳng định, tiêu chí hình xăm, thị lực khi tuyển chọn công dân nhập ngũ được quy định tại Thông tư của 50 của Bộ Quốc phòng - Công an.
Theo đó, công dân không được tuyển chọn nhập ngũ khi cơ thể "có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kỳ dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực. Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở những vị trí lộ diện, như: Mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống. Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên".
Bộ Quốc phòng khẳng định những hình xăm này thuộc tiêu chuẩn chính trị, đạo đức. Nếu Hội đồng khám tuyển nghĩa vụ quân sự các địa phương để lọt những công dân có hình xăm nội dung như trên nhập ngũ vào quân đội là "trái với quy định, gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh, lễ tiết tác phong của người quân nhân cách mạng".
Về tình trạng một số công dân trước ngày khám tuyển cố tình xăm hình nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, Bộ đề nghị nơi tuyển quân, cơ quan quân sự, công an địa phương cần phối hợp chặt chẽ để xem xét, đánh giá về tính chất, mức độ của hình xăm để quyết định phân loại tiêu chuẩn nhập ngũ.
"Đồng thời cần vận động hoặc bắt buộc cá nhân tự tẩy xóa hình xăm trước khi khám tuyển; bằng nhiều biện pháp hạn chế công dân lợi dụng hình xăm để trốn tránh nghĩa vụ quân sự", văn bản của Bộ Quốc phòng nêu.
Trả lời cử tri Đà Nẵng đề nghị quy định lại tiêu chí thị lực khi tuyển quân vì có nhiều bất cập, Bộ Quốc phòng dẫn thông tư 140 nêu rõ: "Không gọi nhập ngũ vào quân độ những công dân có sức khỏe loại 3 có tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 đi ốp trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS".
Bộ khẳng định, thị lực là tiêu chí quan trọng khi đánh giá, phân loại sức khỏe đối với công dân nhập ngũ. Cụ thể, trong các trường hợp như: Sử dụng vũ khí, khí tài, trang thiết bị khi huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu mọi lúc, mọi nơi, ngày cũng như đêm; nhất là ban đêm đòi hỏi người chiến sĩ phải có thị lực tốt để có khả năng quan sát tốt khi làm nhiệm vụ trên đất liền, trên không, trên biển.
Cử Đà Nẵng còn phản ánh, Luật Nghĩa vụ quân sự có bất cập khi quy định thời gian tham gia nghĩa vụ công an 3 năm và quân đội 2 năm nhưng sau đó, tỉ lệ được ở lại trong ngành công an rất ít, phần lớn ra quân về địa phương. Điều này dẫn đến tâm lý đa số công dân chọn thực hiện nghĩa vụ quân đội vì thời gian ngắn hơn. Trong khi đó, quy định tiêu chuẩn chọn quân thực hiện nghĩa vụ công an cao hơn so với quân đội, khiến chất lượng tham gia nghĩa vụ quân đội thấp hơn.
Bộ Quốc phòng giải thích, quy định trên phù hợp với tính chất đặc thù, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế, môi trường hoạt động trong quân đội và công an. Chỉ tiêu nhập ngũ quân đội nhiều hơn công an bởi chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Vì vậy, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, việc tuyển chọn người ở lại trong ngành cũng khác nhau về số lượng.
Bộ Quốc phòng cho biết thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ Công an ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung về quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ để phù hợp với tình hình hiện nay, đảm bảo công bằng xã hội.