Dạo gần đây trên mạng xã hội rộ lên chuyện "thợ săn tiền thưởng" khi luật giao thông được cập nhật. Trong đó chuyện người dân sẽ được trả thưởng khi tố cáo vi phạm giao thông.
Cá nhân tôi lúc đầu suy nghĩ đây có thể là bước tiến tốt trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế, việc huy động người dân góp sức để giữ gìn trật tự đô thị là một ý kiến tốt.
Tuy nhiên mới tối qua tôi đã phải thay đổi lại suy nghĩ. Bản thân tôi là người yêu thích công nghệ nên tham gia nhiều nhóm về nghiên cứu thảo luận AI.
Tối qua khi lướt qua một số diễn đàn, tôi đã thấy có một số cá nhân nảy ra ý định sử dụng AI, deepfake để tạo hình ảnh vi phạm giả. Mặc dù hình ảnh ban đầu họ tạo ra còn nhiều lỗi và dễ nhận ra là ảnh fake nhưng tôi tin, thời gian để nó trở nên thật hơn chỉ tính bằng ngày.
Điều nguy hiểm hơn là họ không trực tiếp sử dụng phần mềm đó, mà họ rao bán nó. Sẽ có nhiều cá nhân vì lợi ích sẽ mua và sử dụng nó một cách tinh vi và đầy tổ chức hơn người tạo ra nó.
Hãy tưởng tượng, bạn ra đường, bạn đi đúng luật, nhưng về nhà kiểm tra lại thấy thông báo bạn vượt đèn đỏ, với hình ảnh rõ ràng không thể chối cãi. Theo tôi đây là một nguy hiểm tiềm tàng thực sự.
Tôi nghĩ việc trả thưởng cho tố cáo vi phạm nên được xem xét một cách kỹ càng hơn trong bối cảnh công nghệ đang tiến bước quá nhanh như hiện tại. Trên đây chỉ là một ví dụ tôi vô tình biết được. Ai biết được còn có những kế hoạch lợi dụng chính sách một cách tinh vi hơn, nguy hiểm hơn.
Vì vậy, tôi nghĩ cần sớm bổ sung thêm quy định xử phạt nặng người tạo và tiêu thụ những nội dung này, nếu cố tình sử dụng chúng để báo cáo sai sự thật hoặc trục lợi, người đồng phạm cũng cần bị xử phạt tương ứng.
Sáng 4/1, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết cơ quan liên quan sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực thi để có cơ chế chi trả tiền cho người cung cấp thông tin và tiêu chí xét chi trả cho từng nội dung. "Thông tin về việc cá nhân được nhận tiền thưởng từ cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm trật tự an toàn giao thông trên mạng xã hội thời gian gần đây là không chính xác", đại diện Cục CSGT nói. Theo Nghị định 176/2024 về quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1, Bộ Công an được chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông với mức không quá 10% số tiền xử phạt và tối đa 5 triệu đồng cho mỗi vụ việc. *Thuật ngữ "Deepfake" là sự kết hợp giữa "deep learning" và "fake". Công nghệ này được xây dựng trên nền tảng machine learning mã nguồn mở của Google. Deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật. Càng có nhiều hình ảnh gốc thì AI càng có nhiều dữ liệu để học. Deepfake có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực đến kinh ngac. |
Hoàn Nguyễn