Sáng 30/6, báo cáo tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại hội nghị toàn quốc, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết thời gian qua, đằng sau những vụ án tham nhũng, nhất là vụ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp kéo dài "đều có bóng dáng cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu, cầm đầu". Vì vậy, công tác cán bộ cần đặc biệt chú trọng.
"Phải tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, khắc phục sơ hở trong công tác cán bộ, đảm bảo lựa chọn, bổ nhiệm đội ngũ có đủ phẩm chất, năng lực uy tín để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực", ông Trạc nói.
Theo Trưởng ban Nội chính Trung ương, tham nhũng là một trong những khuyết tật bẩm sinh của quyền lực nên phải tăng cường kiểm soát. Cán bộ, công chức phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên để tự soi, tự sửa.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải tập trung các lĩnh vực dễ tham nhũng, tiêu cực hoặc có nhiều dư luận; các lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín để kịp thời phát hiện và xử lý. Các cơ quan có nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý dứt điểm vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực đã phát hiện, khởi tố, nhất là các vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Lãnh đạo Ban Nội chính nói, để đấu tranh đẩy lùi, ngăn chặn phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cần xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp; cán bộ, công chức phải "trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực".
Chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới, làm cơ sở để cán bộ đảng viên rèn luyện. Nội dung phòng, chống tham nhũng cũng được đưa vào chương trình giáo dục đào tạo, bồi dưỡng. Trên cơ sở đó, văn hóa liêm chính sẽ được xây dựng để không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội.
Trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ cũng được tăng cường để bảo đảm công khai, minh bạch. Một số giải pháp sẽ được thực hiện như thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; có cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân tố giác, phản ánh đảng viên, cán bộ tham nhũng, tiêu cực...
"Khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật liên quan tới đấu thầu, đấu giá, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, giám định, định giá tài sản...", ông Trạc nói.
Theo Trưởng ban Nội chính Trung ương, các cơ quan cần kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng; xây dựng cơ chế phòng ngừa; cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để không dám tham nhũng. Cùng với đó cần phát hiện, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn...
Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương (Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực), 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị xử lý do tham nhũng.
Hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (đầu năm 2021) đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng.
Ban chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp vào diện theo dõi, chỉ đạo ở ba cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc. Các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án, với gần 1.100 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý...