Hàng năm, lượng rác đặc biệt như đồ điện tử, dầu mỡ thừa, gỗ, nhựa... thải ra môi trường ước tính lên tới khoảng 400 triệu tấn. Nếu không được xử lý đúng cách, chúng gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, đại dương, không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự sống còn của nhiều loài sinh vật.
Rác điện tử
Rác thải điện tử bao gồm các sản phẩm công nghệ hư hỏng, pin, màn hình máy tính, bo mạch... Một chiếc máy tính có thể chứa khoảng 3-8 mg thủy ngân, 3-4 kg chì. Theo EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ), chỉ cần 1 gram thủy ngân rò rỉ cũng có thể làm ô nhiễm đến 1 triệu lít nước.
Theo Global E-waste Monitor, tính riêng năm 2019, thế giới đã thải ra 53,6 triệu tấn rác thải điện tử. Trong đó, khoảng 50 tấn thủy ngân đã rò rỉ vào môi trường từ các thiết bị thải bỏ không đúng cách.
Báo cáo của ITU và UNITAR chỉ ra rằng, năm 2022 có 62 triệu tấn rác thải điện tử được tạo ra. Số rác này có thể lấp đầy 1,55 triệu xe tải 40 tấn, tức đủ để tạo thành một hàng xe nối đuôi nhau bao quanh đường xích đạo. Tuy nhiên, chỉ 20% trong số này được tái chế.
Nếu được thu gom và xử lý đúng cách, rác thải điện tử không chỉ làm giảm ô nhiễm môi trường, mà có thể tái chế và biến đổi thành nhiều vật liệu hữu ích.
Cục Địa chất Mỹ (USGS) ước tính rằng việc tái chế một triệu laptop tiết kiệm năng lượng tương đương với điện năng mà hơn 3.500 hộ gia đình ở Mỹ tiêu thụ trong một năm. Với mỗi triệu điện thoại di động mà chúng ta tái chế, có thể thu hồi được 15.875 kg đồng, 349 kg bạc, 34 kg vàng và 14,97 kg palladium.
Quy trình xử lý đúng cách
Đồ điện tử hư hỏng cần được thu gom tại các điểm chuyên dụng, vựa phế thải... Các thiết bị này được tháo dỡ, phân tách các bộ phận như pin, bo mạch, màn hình...
Sau đó, những thành phần kim loại như vàng, bạc, đồng, nhôm... được nung chảy ở nhiệt độ cao để loại bỏ các tạp chất, tận dụng cho các quy trình sản xuất mới. Nhựa từ thiết bị điện tử cũng có thể được tái chế.
Một số thành phần độc hại như thủy ngân, chì, cadmium tiến đến quá trình xử lý chuyên biệt bằng các phản ứng hóa học để chuyển đổi chúng thành các dạng ít độc hại hơn.
Tương tự phế thải điện tử, pin cũng cần được thu gom tại các cơ sở chuyện biệt. Hiện nay, nhiều siêu thị, cửa hàng và cơ sở tái chế cung cấp hộp thu gom pin để người tiêu dùng có thể bỏ pin đã qua sử dụng.
Theo một báo cáo của EPA (Cơ quan bảo vệ Môi trường Mỹ), mỗi năm có khoảng 180 triệu pin được tiêu thụ tại nước này. Nếu tất cả số pin được tái chế, sẽ có khoảng 15 triệu tấn kim loại nặng và 45 triệu tấn carbon dioxide (CO2) được giảm phát thải vào môi trường. Tại Việt Nam, có khoảng 100.000 tấn pin được tiêu thụ hàng năm, nhưng việc thu gom pin đã qua sử dụng gặp nhiều khó khăn.
Nhựa, thủy tinh, gỗ công nghiệp
Trong nhựa, thủy tinh, gỗ công nghiệp thường có một số chất phụ gia như Arsenic, Copper, Boric acid, Bisphenol A (BPA), Phthalates... 1 gam Arsenic nếu rò rỉ ra môi trường có thể ô nhiễm khoảng 1.000 lít nước. Trong quá trình phân hủy, chúng tạo ra hàng triệu hạt vi nhựa, gây ô nhiễm đất, ảnh hưởng sinh vật và con người.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Environmental Science & Technology cho thấy khoảng 83% cá có mặt trên thị trường thực phẩm toàn cầu chứa vi nhựa, vi thủy tinh. Điều này có thể dẫn đến sự tích tụ của hóa chất độc hại trong chuỗi thức ăn.
Quy trình xử lý đúng cách
Quy trình tái chế nhựa, thủy tinh và gỗ công nghiệp được thực hiện qua nhiều bước nhằm đảm bảo hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Về cơ bản, quá trình này chia thành các bước như phân loại dựa theo thành phần, làm sạch, ghiền nát, nấu chảy và tạo hình mới. Các chất độc sẽ được xử lý hóa học thành dạng khác ít nguy hiểm hơn trước khi thải ra môi trường. Ngoài giảm ô nhiễm, việc tái chế sản phẩm có thể giúp tiết kiệm năng lượng so với sản xuất từ nguyên liệu thô.
Dầu ăn thừa, nhớt
Các chất thải như dầu, nhớt mất từ 2-3 tháng để phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên. Chỉ 1 lít dầu ăn có thể ô nhiễm khoảng 1 triệu lít nước. Theo nghiên cứu của EPA, dầu hoặc nhớt có thể gây chết đến 95% lượng cá trong hồ nước chỉ sau một vài giờ. Chúng tạo thành lớp màng trên bề mặt nước, ngăn chặn ánh sáng mặt trời và ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của thực vật thủy sinh.
Việc đổ dầu ăn thừa xuống cống gây ô nhiễm nguồn nước, tăng phát thải khí nhà kính, góp phần làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển Năng lượng Việt Nam, việc tái chế 100.000 tấn dầu ăn thừa mỗi năm có thể tạo ra khoảng 50 triệu lít biodiesel, tương đương với việc giảm thải ra khoảng 90.000 tấn CO2.
Quy trình xử lý đúng cách
Dầu thừa được thu gom sẽ mang đến các cơ sở tái chế. Chúng trải qua quá trình phản ứng giữa triglycerides (thành phần chính của dầu ăn) và một loại cồn (thường là methanol hoặc ethanol), cùng với một vài chất xúc tác. Sản phẩm cuối cùng được tạo ra của chuỗi phản ứng này là Biodiesel, được sử dụng làm nhiên liệu thay thế cho dầu diesel từ hóa thạch.
Thái Anh