Chiều tối qua, Cục Hàng không VN công bố kết luận ban đầu liên quan đến vụ cãi vã trên chuyến bay VN1169, sau tròn một tháng điều tra xác minh. Công đoạn tiếp theo, Thanh tra sẽ tập hợp dữ liệu, lập biên bản và ký quyết định xử phạt. Theo Phó cục trưởng Cục Hàng không VN - Lại Xuân Thanh, đây là lần đầu tiên xảy ra vụ việc kéo dài liên quan đến an toàn an ninh trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam.
Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh. Ảnh: caa.
- Tròn một tháng xác minh và lấy lời khai từ các nhân chứng, ông có thể lý giải tại sao Cục Hàng không lại ra kết luận HLV Lê Minh Khương gây rối trên chuyến bay chứ không phải nhân viên hàng không cư xử chưa đúng mực?
- Tôi cho rằng kết luận này là xác đáng, căn cứ vào lời khai của nhân chứng, gồm cả những người ủng hộ HLV Lê Minh Khương, Vietnam Airlines và quy định hiện hành. Không có các nhân chứng, chúng tôi không thể đưa ra được kết luận như vậy.
Đối với ngành hàng không, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn của chuyến bay luôn được đặt lên hàng đầu. Chuyến bay không thể được thực hiện khi có hành khách không chịu chấp hành hướng dẫn, yêu cầu của tổ bay. Bên cạnh đó, hành khách không thể vì bất kỳ lý do gì để thực hiện hành vi gây rối và phải được đưa xuống khỏi tàu bay để bảo đảm an toàn.
Thanh tra của Cục đang hoàn tất thủ tục, lập biên bản để ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với HLV Lê Minh Khương.
- Kết luận của Cục Hàng không VN đang dấy lên một tranh cãi mới. Người ta nghi ngờ về tính minh bạch khi những lời khai của nhân chứng không được đề cập trong thông báo kết luận, ông nghĩ sao?
- Tôi khẳng định, kết luận của chúng tôi được căn cứ trên lời khai của chính các nhân chứng. Tuy nhiên, về nguyên tắc bảo mật, trong kết luận, chúng tôi không được phép tiết lộ danh tính nhân chứng. Chúng tôi chỉ có thể cung cấp danh tính, lời khai khi có cơ quan thầm quyền yêu cầu.
Với những vụ việc dích dắc và có nhiều ý kiến trái chiều như lần này, chúng tôi rất coi trọng vai trò xác minh. Trong quá trình làm việc, các nhân chứng đều rất hợp tác nên mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Duy chỉ có bản thân hành khách Lê Minh Khương không hợp tác, không ký vào văn bản xử phạt, nên công việc bị chậm lại và mất thời gian hơn.
- Đại diện HLV Lê Minh Khương, Luật sư Trần Thu Nam bày tỏ quan điểm không đồng thuận với kết luận của Cục Hàng không VN, ông nói gì về điều này?
- Tôi cho rằng quyền của một công dân đã được quy định rất rõ trong Luật. Trong trường hợp này ông Khương hoàn toàn có thể khiếu nại thậm chí khởi kiện ra tòa, nếu không đồng thuận với kết luận của chúng tôi.
Về phía Cục Hàng không VN, Luật cho phép chúng tôi được đơn phương ra quyết định xử phạt, nếu ông Khương kiên quyết không ký vào biên bản xử phạt.
Vụ việc trên chuyến bay VN1169 liên quan nhiều đến vấn đề an toàn, an ninh. Do vậy, nếu không xử lý nghiêm và nhìn nhận đúng bản chất sự việc thì sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn, có thể dẫn đến sự bất ổn trong hệ thống an toàn, an ninh hàng không. Và nếu chúng tôi xử lý không nghiêm minh, xác đáng thì cũng dẫn đến tâm lý bất ổn cho tổ bay. Sau này sự cố tương tự xảy ra, tổ bay sẽ có tâm lý lo ngại và thiệt hại sẽ thuộc về hành khách, họ sẽ đối mặt với nguy cơ mất an toàn.
- Việc nhân viên mặt đất làm mất thẻ lên tàu được coi là khởi nguồn của các vấn đề gây tranh cãi. Ông Khương vì đòi tấm thẻ này mà bị cưỡng chế, tại sao Cục chỉ đưa ra khuyến cáo, nhắc nhở nhân viên mặt đất rút kinh nghiệm?
- Tôi cho rằng ở lĩnh vực, ngành nghề nào cũng vậy khi có sự việc gì xảy ra dù lớn hay nhỏ, cái đầu tiên là chúng ta phải đánh giá và rút kinh nghiệm. Do vậy, trong kết luận của mình, chúng tôi nói rõ là sẽ đưa ra các khuyến cáo đối với nhân viên mặt đất.
Việc mất thẻ lên tàu được ví như trường hợp thất lạc hành lý. Việc xử lý sẽ được các đơn vị làm kê khai thông tin và có cả chuyện bồi thường cho khách hàng... Tất cả đều có quy trình xử lý và có quy định cụ thể. Việc này lẽ ra chỉ cần giải quyết trong phạm vi đơn vị chứ không nhất thiết phải đẩy lên cấp cơ quan quản lý. Và chúng tôi không thể căn cứ vào trường hợp của hành khách Lê Minh Khương để tăng tình tiết xử phạt nặng đối với nhân viên mặt đất được. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ có khuyến cáo và yêu cầu họ rút kinh nghiệm.
- Theo kết luận của Cục Hàng không VN, tiếp viên trưởng Vietnam Airlines không có lỗi gì trong trường hợp này?
- Đúng như vậy. Trong quá trình xác minh, làm việc với các nhân chứng, chúng tôi xác định tiếp viên Vietnam Airlines đã làm việc và xử lý theo đúng quy trình. Các nhân chứng đều khẳng định tiếp viên xử sự nhã nhặn. Thậm chí tiếp viên còn nhờ cả hành khách trên máy bay lên thuyết phục anh Khương về chỗ ngồi. Bản thân ông Khương cũng chỉ khiếu nại và nói rằng đòi thẻ lên tàu mà yêu cầu an ninh lên là hơi thái quá.
Việc đánh mất Thẻ lên tàu bay của ông Khương (nếu có) cũng hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Khương. Bởi ông Khương vẫn được vận chuyển và tiếp viên đã thuyết phục ông Khương là sẽ in lại thẻ cho ông tại sân bay Tân Sơn Nhất. Các nhân chứng đều xác nhận hành vi đúng mực của tiếp viên. Việc tiếp viên báo cáo tình hình hành khách gây rối với cơ trưởng là chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật.
- Nhiều ý kiến cho rằng nhân viên an ninh đã sử dụng vũ lực đối với một hành khách và có phần hơi thái quá, ông nghĩ sao?
- Nhân viên an ninh làm đúng quy trình của họ. Trên máy bay là địa bàn đặc biệt nhạy cảm với an toàn, không được nhân nhượng với các trường hợp gây uy hiếp an toàn.
Kết quả thanh tra cho thấy 4 nhân viên an ninh hàng không không dùng công cụ hỗ trợ để cưỡng chế. Thông tin nói ông Khương bị gí dùi cui điện là không chính xác, vì nhân viên an ninh không mang dùi cui điện, chỉ đem theo roi điện, bộ đàm và còng số 8. Trong quá trình cưỡng chế, nhân viên an ninh có sử dụng các biện pháp nghiệp vụ như lôi người, bẻ ngón tay khi ông Khương bám vào cửa, rút roi điện để thị uy vì ông Khương chống đối bằng cách trì người xuống sàn, ôm chặt ghế, nắm chặt tay nắm cửa máy bay.
Hồng Anh thực hiện