Khi đặt chân đến sân bay Boston, điều đầu tiên tôi cảm nhận được đó là cái lạnh thấu tận xương tuỷ. Tôi là dân miền Tây, quanh năm chỉ biết hai mùa mưa nắng, vì thế, làm sao tôi không khỏi rùng mình khi đón nhận những cơn gió lạnh ở vùng Đông Bắc nước Mỹ. Như một phản xạ tự nhiên, người tôi co ro lại, hai bàn tay chà xát vào nhau để tự tạo ra một chút hơi ấm cho mình. Chợt có ai đó nắm chặt tay tôi và nhìn tôi với nụ cười rạng rỡ.
Đó là Kim, người bạn thân từ thời trung học của tôi. Gia đình Kim sang Mỹ theo diện HO từ năm 1993. Mới đó mà đã hơn 20 năm Kim sống nơi đất khách. Giờ Kim đã có một gia đình nhỏ và hai đứa con. Khi biết tôi lần đầu sang Mỹ dự hội thảo, Kim dặn dò tôi đủ điều trước khi đi và muốn ra tận sân bay đón tôi.
Sự đón tiếp nhiệt tình của Kim làm tôi không còn cảm thấy lạc lõng giữa bao người xa lạ, cảm giác mệt mõi sau một chuyến bay dài cũng dần biến mất, chỉ còn nghe tiếng “ọt ọt” kêu đói của cái bao tử. Thế là chúng tôi kệ nệ mang đồ ra xe, đi ăn rồi về nhà.
Những ngày sau đó, Kim chở tôi đi tham quan nhiều nơi. Thỉnh thoảng Kim chở tôi qua tiệm chơi. Tôi bắt đầu hình dung ra được những nỗi vui buồn của người làm nghề nail trên đất Mỹ. Tôi hỏi Kim sao chọn nghề nail mà không đi học đại học vì tôi biết ngày xưa Kim là một học sinh giỏi. Kim trầm ngâm tâm sự cho tôi nghe những nỗi nhọc nhằn của những tháng ngày đầu qua Mỹ sinh sống.
Cũng như bao bạn bè khác, Kim cũng mơ ước được đi học đại học nhưng những món nợ phải trả, những hóa đơn cần phải thanh toán đã ngăn cản con đường học vấn của Kim. Khi còn ở Việt Nam, tôi biết gia đình Kim rất khó khăn về tài chính, phải bán đất, mượn tiền để lo giấy tờ xuất cảnh sang Mỹ. Kim là người con luôn chịu cực, chịu khó trong gia đình nên chỉ sau một tuần đến Mỹ, Kim đã đi tìm việc làm. Kim đã trải qua nhiều nghề khác nhau nhưng có lẽ nghề nail phù hợp với tính cần mẫn, sự khéo léo của người Việt Nam và thu nhập cũng khá hơn. Vì thế, cuối cùng Kim chọn nghề nail như là công việc mưu sinh của mình. Hiện tại Kim có một tiệm nail khang trang với nhiều người thợ cùng làm.
![kim-dua-toi-di-tham-quan-washi-9260-4925](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/05/25/kim-dua-toi-di-tham-quan-washi-9260-4925-1432539555.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=toHrih0wGtYo-ZndFnZ7Bg)
Trong tiệm của Kim, có hai người thợ vừa học vừa làm, một người là du học sinh từ Việt Nam sang học, người còn lại cũng là sinh viên nhưng mới sang Mỹ định cư cùng gia đình. Lúc nào có giờ học ở trường thì các em đi học, lúc nào nghỉ học hoặc cuối tuần thì các em đến tiệm Kim làm thêm. Những em sinh viên này lúc mới xin vào làm chỉ học nghề nên Kim phải dành nhiều thời gian rèn luyện thêm cho các em thạo việc hơn.
Ở những nơi khác, chủ tiệm sẽ không thuê những người thợ như thế vì họ sẽ làm tiệm mất khách do tay nghề còn yếu hoặc nếu có thuê sinh viên làm thêm thì cũng trả ít tiền hơn so với những người thợ khác.
Vậy mà ở tiệm Kim, các em sinh viên không chỉ được dạy thêm nghề, mà còn được trả tiền với tỷ lệ chia ngang bằng như những lành nghề khác trong tiệm. Tôi hỏi: "Sao Kim nhận những em sinh viên như thế vào làm, thay vì thuê những người thợ lành nghề?". Kim chia sẻ: "Dù biết như vậy nhưng Kim vẫn muốn giúp các em. Có ai mới vào nghề mà giỏi đâu. Kim từng chịu nhiều đắng cay khi bị chủ tiệm chèn ép, bị những người thợ khác tranh giành khách làm. Kim đã phải từ bỏ ước mơ vào đại học vì những khó khăn của cuộc sống nên bây giờ muốn giúp các em đó có một môi trường làm việc tốt, có thêm thu nhập để yên tâm học hành".
Trong tiệm Kim trước đây cũng có một em vừa học vừa làm như thế, giờ đã tốt nghiệp đại học UMASS Boston và đang làm việc cho một công ty lớn. Kim rất vui vì điều đó dù biết những việc mình làm không đáng là bao so với những nỗ lực của chính bản thân các em.
Tôi thầm thán phục Kim và trân trọng tấm lòng của bạn biết bao. Giữa nơi xứ lạ quê người, không dễ dàng gì tìm được những người đồng hương biết đồng cảm và có lòng thành như thế. Tôi nhận ra rằng ở nơi xứ sở lạnh giá này, không có ngọn lửa nào sưởi ấm tâm hồn chúng ta bằng ngọn lửa xuất phát từ trái tim, từ tình cảm chân thành giữa người và người. Đúng như Kim thường nói nơi đây xứ lạnh tình nồng vì Kim biết vẫn còn nhiều người tốt xung quanh. Bây giờ cuộc sống đã ổn định, Kim muốn quay lại trường học. Tôi cầu chúc Kim sẽ hoàn thành được ước mơ và hy vọng một ngày không xa, tôi sẽ được nhìn thấy hình ảnh Kim trong lễ phục tốt nghiệp đại học.
Ngọc Nhẫn
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com