Ron Hubbard, tổng giám đốc điều hành công ty chuyên sản xuất "nhà tận thế" Atlas Survival Shelters, ghi nhận nhu cầu càng gia tăng sau vụ ám sát hụt cựu tổng thống Donald Trump hồi tháng 7. "Mọi người lo ngại về kịch bản nội chiến".
Các boongke "siêu sang trọng" của Atlas sở hữu hàng loạt các tính năng công nghệ cao như cửa sập chống đạn, cửa kín khí, ống dẫn khí chống hư hỏng và phòng khử khuẩn. Chúng được trang trí đẹp mắt với mặt bàn bằng đá granit và sàn gỗ sồi. Đường hầm thoát hiểm là đặc điểm tiêu chuẩn trên các mẫu boongke lớn, có giá thành lên tới 200.000 USD.
Một cuộc thăm dò do YouGov thực hiện một ngày sau vụ nổ súng tại cuộc vận động tranh cử của cựu tổng thống Trump cho thấy 67% người trưởng thành Mỹ tin rằng bầu không khí chính trường hiện tại khiến bạo lực bắt nguồn từ động cơ chính trị nhiều khả năng xảy ra hơn. Cuộc thăm dò do Reuters-Ipsos thực hiện cùng thời điểm cho thấy 79% số người được hỏi đồng ý rằng tình hình ở Mỹ đang "vượt khỏi tầm kiểm soát".
"Ngay lúc này, thế giới đang đứng trên một cái bập bênh. Vấn đề là nó sẽ ngả theo hướng nào", Geoffrey Toledo, nhà đầu tư bất động sản 37 tuổi tại Tampa, cho hay.
Toledo đang để mắt đến một căn hộ trong khu phức hợp Survival Condo, boongke sâu 15 tầng được chuyển đổi từ nhà chứa tên lửa ở Kansas. Công trình có hồ bơi, phòng thưởng thức cocktail và kho dự trữ thực phẩm lên đến 5 năm.
Toledo vừa tham quan một căn hộ rộng 172 m2 có giá 2,4 triệu USD trong lúc cân nhắc các lựa chọn. Các đặc quyền đi kèm bao gồm được bảo vệ bởi lính canh có vũ trang và được tiếp cận một khu vực rộng hơn 20.000 m2 có rào chắn trên mặt đất, nơi cư dân thường dắt chó đi dạo.
Một nhà đầu tư bất động sản 29 tuổi ở Arlington, Virginia, cũng đang cân nhắc mua căn hộ rộng 88 m2 tại Survival Condo được niêm yết với giá 1,3 triệu USD để làm nơi trú ẩn cho anh và bạn gái.
"Mọi người đều coi cuộc bầu cử là một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Nếu người họ bầu không thắng, họ sẽ rơi vào trạng thái tuyệt vọng", anh nói. "Tôi đang tìm kiếm thứ gì đó có thể dễ dàng chuyển vào ngay".
Larry Hall, chủ đầu tư khu căn hộ, cho hay mối quan tâm với dự án của họ đã tăng vọt khi cuộc bầu cử tháng 11 đến gần.
Scott Bowman, đối tác của McDermott Will & Emery, công ty thường xuyên tư vấn cho các gia đình có giá trị tài sản ròng trên 500 triệu USD, cho biết đối với những người Mỹ giàu có, họ chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để chuẩn bị tốt nhất nếu thảm họa xảy ra.
Atlas Survival Shelters, đơn vị nhận thiết lập boongke riêng cho khách hàng, báo cáo doanh số tăng gấp ba lần kể từ sau đại dịch Covid-19 và các cuộc biểu tình hỗn loạn năm 2020.
Một luật sư ở Kentucky cho biết ông sẽ mua hầm trú ẩn Atlas với giá 250.000 USD trang bị hệ thống năng lượng mặt trời để che chở cho vợ và 4 con trong trường hợp chiến tranh hạt nhân, nội chiến, khủng bố hay bất kỳ thảm họa nào khác. Boongke thép sẽ được chôn sâu khoảng 6 m dưới lòng đất tại khu đất mà ông sở hữu ở thung lũng Appalachian.
Đối với những người muốn trú ẩn ở ngay vùng ngoại ô, Vivos Group, trụ sở tại California, là một lựa chọn phù hợp. Họ đang cho thuê boongke ngầm tại một số nơi như Nam Dakota và Indiana. "Nhu cầu đã đạt tới đỉnh điểm", chủ tịch công ty Robert Vicino nói. "Nhu cầu lại tăng lên mỗi khi có chuyện gì đó xảy ra".
Vivos sở hữu khoảng 600 boongke bê tông trên những đồng cỏ nhấp nhô gần Black Hills của Nam Dakota. Với kích thước 8x24 m, mỗi boongke được cho thuê với phí ban đầu 55.000 USD và tiền thuê hàng năm 1.091 USD. Cư dân có thể tùy chỉnh không gian với nhiều tùy chọn khác nhau, như phòng lớn, phòng ngủ riêng, thậm chí cả phòng tập thể dục.
Công ty quảng cáo rằng sản phẩm của họ mang đến "môi trường sinh tồn sang trọng và thoải mái đẳng cấp 5 sao".
Philippe Briggs, 56 tuổi, thám tử cảnh sát về hưu đến từ Nam California, đã thuê một boongke của Vivos ở Nam Dakota kể từ khi xảy ra đại dịch, cho vợ chồng ông và 4 người con. Briggs nói boongke này cũng là nơi nghỉ dưỡng mùa hè hay tụ tập bạn bè. Một số đồng nghiệp cũ của ông cũng thuê không gian ở đây.
"Chúng tôi đầu tư vào một nơi mà chúng tôi có thể đưa gia đình mình đến nếu có chuyện xấu xảy ra", ông nói.
Khu trú ẩn của Vivos ở Indiana có sức chứa 80 người và được trang bị đầy đủ nội thất, đồ đạc. "Nó giống như một con tàu du lịch ngầm", Vicino nói.
Tuy nhiên, Scott Hunt, cố vấn cho chương trình truyền hình thực tế Chuẩn bị cho ngày tận thế trên kênh National Geographic, hoài nghi về tính thực tiễn của các hầm trú ẩn do những thách thức về bảo trì dưới lòng đất.
Luật sư di trú tại Montreal Jean-Philippe Brunet cho biết nhiều người Mỹ còn tính đến phương án khác trong trường hợp bất ổn nổ ra. Văn phòng của ông đã nhận được nhiều yêu cầu hơn từ những khách hàng muốn chuyển đến Canada sau cuộc bầu cử tháng 11, ít nhất là tạm thời.
"Cả cử tri Dân chủ và Cộng hòa đều lo ngại về các kịch bản hậu bầu cử", Brunet cho biết. "Canada có thể là một nơi đem đến sự an tâm và an ninh".
Số lượng người Mỹ tìm kiếm quyền công dân hoặc thường trú tại các quốc gia khác thông qua chương trình yêu cầu khoản đầu tư lên tới 6-7 con số đã tăng vọt, theo Henley & Partners USA, một công ty chuyên về các chương trình như vậy.
Judi Galst, làm việc tại Henley, cho biết khách hàng nêu ra nhiều mối lo ngại khác nhau: nạn bài Do Thái gia tăng, yêu cầu tiêm vaccine, xả súng trong trường học hoặc bất ổn chính trị.
Tuy nhiên, rất ít khách hàng muốn rời khỏi Mỹ vĩnh viễn. Hầu hết hy vọng họ sẽ không bao giờ phải sử dụng quốc tịch mới. "Giống như mọi người mua bảo hiểm cho ngôi nhà của mình và hy vọng nó không bao giờ bị cháy", bà nói.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)