Những thị trường nào đang trở thành đề tài tranh luận của các nhà sản xuất và phát triển công nghệ và có thể trở thành tâm điểm trong năm tới? Thật không bất ngờ vì câu trả lời lại là ngành công nghiệp giải trí vốn được tạo đà từ năm trước và tiếp tục được coi là hướng phát triển chủ chốt của năm tới.
Máy tính giải trí xách tay
Các máy tính xách tay ngày càng trở lên phổ biến hơn bao giờ hết. Theo nhiều nguồn tin cho biết, thị trường máy tính xách tay tăng 30% trong năm nay và vượt qua doanh số các máy để bàn vào năm 2010. Nó không chỉ cho phép truy cập ở mọi nơi mà còn là thiết bị giải trí có khả năng thay thế vị trí của chiếc đầu ghi video số và các bộ giải mã trong nhà.
Fujitsu LifeBook N6010. Ảnh: Notebookreview |
Các màn hình laptop cũng phát triển theo xu thế có tỷ lệ cạnh giống như định dạng khung hình phim nhựa, tức là màn ảnh rộng. Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, doanh số laptop màn ảnh rộng sẽ vượt qua laptop màn hình tiêu chuẩn (4:3) vào năm tới. Nhưng các laptop mạnh về giải trí như Toshiba Qosmio và Fujitsu N6010, không chỉ có màn hình sắc nét mà còn có ổ cứng lên đến 100 GB, hệ điều hành Windows XP Media Center và bộ xử lý cho phép ghi truyền hình sống, các bộ thu truyền hình quảng bá và phim DVD trên màn hình LCD 17 định dạng letterbox (16:9).
Chưa hết, chúng còn được trang bị các cổng số để kết nối với màn hình lớn độ phân giải cao như Plasma và LCD, cùng với chiếc điều khiển từ xa để việc thưởng thức các chương trình giải trí thêm thoải mái, nhanh chóng, thuận tiện.
HDTV
Truyền hình độ nét cao cũng sẽ trở thành một trào lưu trong năm tới. Chất lượng hình ảnh nét ở mức thuyết phục và số lượng kênh phong phú hơn khiến HDTV đang dần chinh phục số đông người dùng, và các TV màn hình định dạng mới (16:9) nhờ đó cũng đắt hàng.
Các đài truyền hình lớn đều cung cấp ít nhất một chương trình HDTV, đặc biệt là truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh, chẳng hạn TNT và DiscoveryHD với các kênh độc quyền.
Sharp Aquos LC-45GX6U. Ảnh: Hometheatermag |
Chi phí lên đời máy thu hình (TV) là chướng ngại vật duy nhất để người dùng chuyển sang truyền hình số và HDTV, bởi các màn hình độ phân giải cao có số lượng pixel gấp hơn 10 lần màn hình tiêu chuẩn nhưng giá còn khá chảnh. Xu hướng giá thành TV số ngày càng hạ khiến cho truyền hình độ nét cao sớm trở thành một trong những xu hướng hot nhất.
Vì vậy, trên thực tế nhiều người vẫn từ chối chiếc CRT 30" Sony KV-30HS420 với giá hấp dẫn chỉ 700 USD và hướng tới một chiếc TV màn hình tinh thể lỏng 45" Sharp Aquos LC-45GX6U, mặc dù nó giá gần 5.000 USD.
Tự tạo các thước phim số
Trào lưu tự tạo ra các thước video số cũng ngày càng trở nên phổ biến nhờ thế giới máy quay video số và các thiết bị cầm tay ngày càng phong phú với khả năng quay phim theo định dạng thân thiện với máy tính và dễ dàng để chia sẻ trực tuyến.
Các camera số được trang bị khá nhiều chế độ quay phim và một vài phiên bản như Kodak EasyShare V530, còn có các tính năng quay video đặc biệt. Nó không chỉ có khả năng chụp ảnh ở độ phân giải 5 Megapixel mà còn quay video nén theo định dạng MPEG-4 với chế độ chống rung dành cho người hay bị run tay.
Kodak EasyShare V530. Ảnh: Foto-Video |
Điện thoại di động tích hợp camera cũng làm cho trào lưu này thêm sôi động. Hiện nay, hầu hết các mẫu điện thoại di động cao cấp mới ra đều có khả năng chụp ảnh và nhiều mẫu có khả năng quay video. Từ chiếc Nokia 7610, được coi là một trong những chiếc camera phone đời đầu cho phép quay phim chỉ trong 10 phút, đến chiếc Motorola V551 với chức năng quay video tiện nghi hơn. Chất lượng phim hiển nhiên không cao, nhưng nó vẫn được người dùng yêu thích vì gắn trên một thiết bị cầm tay và khả năng quay phim ngay tức thì.
Chia sẻ media cá nhân
Bỏ khá nhiều công sức để tạo được các thước video ưng ý, nhưng nhiều người lại phải đối mặt với câu hỏi làm gì với chúng? Gửi chúng đến một blog? Gửi e-mail chúng cho bạn bè? Hay đăng chúng lên mạng ngang hàng peer-to-peer?
Hiện nay, có khá nhiều công cụ để chia sẻ video nếu bạn muốn. Chẳng hạn dịch vụ peer-to-peer trên trang Grouper.com có mục phân phối phim cá nhân, cho phép các cư dân mạng có thể truy cập vào bộ phim hay file và tham gia mạng chia sẻ các file media riêng tư. Nếu cập nhật phần mềm mới, người dùng còn có thể chỉnh sửa video và chèn nhạc hoặc hiệu ứng đặc biệt cho thước video tâm đắc của mình trước khi post lên.
Giao diện phần mềm Qnext. Ảnh: Demo |
Một số dịch vụ khác cũng khuyến khích chia sẻ file media như Qnext đưa máy tính của bạn thành một trung tâm mạng riêng tư bằng một lời mời tham gia. Chương trình này cho phép các thành viên truy cập vào ổ cứng của bạn như một thư mục thông thường trên máy tính và đọc các file mà bạn cho phép họ truy cập. Qnext khẳng định chương trình ứng dụng của họ có thể làm được mọi thứ; không chỉ chia sẻ các video clip và nhiều dữ liệu khác, cùng với các tính năng hội thảo truyền hình, điện thoại Internet và chat, bạn có thể nhắc nhở bạn bè mình xem những file mà bạn định chia sẻ với họ.
Xem video di động
Có nhiều cách để bạn mang theo các video clip bên mình trong năm nay. Mặc dù các hình thức này không mới, bạn có thể mang chúng đi trong những hành trình dài, bằng một máy duyệt video xách tay như Archos AV320 cho đến chiếc iPod Video mỏng và nhẹ với ổ cứng lên tới 60 GB trong một kích thước chỉ bằng một nửa. Một kiểu máy xem video cầm tay khác là máy chơi game Sony PSP. Các máy điện thoại di động di động cũng đang trở thành các thiết bị lưu trữ và cho phép xem video, đặc biệt là các máy điện thoại 3G kiểu như Nokia 6600, loại hình đang được dự báo là sẽ dần phổ biến.
Máy MP3 kiêm chức năng duyệt ảnh, xem video - iPod Video của hãng Apple. Ảnh: Amazon |
Mặt khác công ty truyền hình đa phương tiện kỹ thuật số Hàn Quốc còn khai trương một mạng truyền hình phức hợp cho phép các thiết bị di động cũng có thể thu nhận được tín hiệu. Trong khi đó ở Mỹ, các hãng truyền hình Disney, Warner Brothers và ABC cũng cung cấp dịch vụ xem video theo yêu cầu dành cho các thiết bị cầm tay.
Podcast
Podcast đã trở thành một cụm từ quen thuộc hơn trong năm nay, khi mà các hãng phát thanh thương mại và các nhà kinh doanh quyết định đẩy các chương trình radio lên Internet. Ngày nay, nhiều chương trình phát thanh phổ bến như các chương trình nói chuyện chuyên đề qua sóng phát thanh AM như "Coast to Coast AM" và "The Rush Limbaugh Show" giúp tiếng tăm Podcast thêm nổi hơn.
Logo dịch vụ Podcast. |
Họ biến Podcast thành nhiều phần giống như chương hồi như tiểu thuyết hay các một bộ phim dài để dễ dàng đến với thính giả, khi họ lên mạng tải chúng về. Cách thức này dần được nhiều đài áp dụng cho các bản tin thương mại và cả các chương trình phát thanh công cộng.
Gia nhập thị trường Podcast trong tháng 8 năm nay, General Motors trở thành hãng xe hơi đầu tiên đưa Podcasts vào các dòng sản phẩm của mình. Podcast càng có điều kiện phát triển thuận lợi vì chúng có thể được truyền qua sóng mặt đất.
Adam Curry, hãng chuyên cung cấp MTV video và là nhà tiên phong về Podcasting, hiện là chủ một chương trình nói chuyện trên Podcast của hãng phát thanh Sirius, trong khi đó trong năm nay ở San Francisco, KyouRadio trở thành hãng phát thanh đầu tiên chỉ phát hành toàn chương trình Podcast. Các hãng kinh doanh Podcast sẽ đẩy chương trình của họ lên trang web của đài để người dùng tải về nghe.
Giải trí với phần mềm mã nguồn mở
Dù là các ứng dụng giải trí hay công việc, 2005 cũng là năm nở rộ của các chương trình phần mềm mã nguồn mở. Sử dụng miễn phí và thay đổi tuỳ ý, các chương trình, các chương trình do cộng đồng xây dựng này tiếp tục chạy đua với ngành công nghiệp phần mềm thương mại, đứng đầu là các ứng dụng khá phổ biến gần đây, trình duyệt web Firefox.
Chỉ chưa đầy một năm kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng nhóm phát triển trình duyệt web với tên gọi Mozilla đã đạt được 100 triệu lượt khách hàng tải ứng dụng của họ, và họ vừa mới trình làng phiên bản nâng cấp với những tính năng cải tiến.
Xine - Một phần mềm mã mở cho phép chạy các file media. Ảnh: Tuxjournal |
Nó không những là một chương trình hàng đầu mà còn là một nền tảng để các nước thứ ba dựa vào và là cảm hứng vô tận cho hàng trăm nhà phát triển phần mềm. Có hàng ngàn dự án khác nhau được phát kiến dựa trên ứng dụng hệ phần mềm mã nguồn mở, bởi hệ thống cũng thiên về giải trí và hầu hết là miễn phí. Ví dụ, Juice là một công cụ mã mở cho phép ghi Podcast; Audacity cung cấp các phần mềm biên tập âm thanh miễn phí, và Xine cho phép chạy DVD và các file video và hỗ trợ xem các file multimedia trực tuyến. Các chương trình mã mở khác được liệt kê trong trang SourceForge.net.
Ngoài các chương trình trên; bạn còn có thể nghe nhạc nguồn mở. Các nhạc sỹ bắt đầu nhận thấy lợi thế của các phần mềm hỗ trợ bản quyền không chính thức kiểu như Creative Commons để bảo vệ những "đứa con tinh thần" của mình hoặc cho phép ai đó được quyền thưởng thức tác phẩm đó.
Dự đoán về tương lai
Rất có thể các xu hướng này sẽ trở thành trào lưu phổ biến như việc tải nhạc MP3 hoặc đầu DVD. Không có cách nào để bói chính xác về tương lai (có những dự đoán sẽ bị coi hoang đường như một thiên truyện của những năm 1950 dự đoán con người sẽ bay đến sao Hoả trên những tấm thảm bay).
Có một điều đặc biệt là các xu hướng phát triển của công nghệ 2006 nêu trên đều là những phán đoán liên quan đến ngành công nghiệp giải trí. Trong khi đó, bản chất của việc hoạch định xu hướng và dự đoán tương lai là một hình thái khác của sự tưởng tượng. Tuy nhiên, xác suất trở thành hiện thực của các dự đoán này cao hơn nhiều bởi vì nó là những phán đoán có cơ sở, đồng thời khiến chúng ta không còn bỡ ngỡ và hoàn toàn chủ động trước tương lai.
Duy Tiến (theo Tech Tuesday)