Theo Reuters, Molenbeek, một quận ngoại ô thành phố Brussels, Bỉ, đang là nơi cảnh sát lùng sục những kẻ đứng sau vụ thảm sát ở Paris hôm 13/11, khiến ít nhất 129 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Giới chức Bỉ đang tự hỏi, điều gì khiến những con phố nhỏ hẹp ở Molenbeek khác hẳn với hàng nghìn con phố tương tự khắp châu Âu. Molenbeek giờ đây nổi lên như một tâm điểm của Hồi giáo bạo lực, cái nôi của không chỉ hơn một nửa triệu người Hồi giáo trên đất Bỉ, mà còn là nơi những kẻ Hồi giáo cực đoan có quốc tịch Pháp ẩn mình lên kế hoạch tấn công quê hương bên kia biên giới.
Từ lâu, nơi đây nổi lên là một chợ đen mua bán vũ khí, trong đó có loại súng AK dùng trong vụ tấn công Paris.
"Chỉ cần 500 đến 1000 euro là có thể mua được vũ khí quân dụng trong vòng nửa tiếng", Bilal Benyaich, thành viên cao cấp của Viện chiến lược Itinera, chuyên nghiên cứu về sự bành trướng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại Bỉ, cho biết.
"Điều này khiến Brussels giống như một thành phố lớn ở Mỹ" hơn là những thành phố cấm mua bán súng đạn ở châu Âu, ông nói.
Hai trong số những kẻ tấn công giết chết 129 người ở Paris - cách Molenbeek 270 km, là người có quốc tịch Pháp thường trú tại Bỉ. Cảnh sát Bỉ đã đột kích vào nhiều địa chỉ ở Molenbeek, và bắt giữ 7 người sau vụ thảm sát ở Paris.
"Tôi để ý rằng hầu như các vụ tấn công đều có liên quan tới Molenbeek. Đây quả là một vấn đề cực lớn", Thủ tướng Bỉ Charles Michel phát biểu hôm 14/11. Hơn 350 người Bỉ đã bị dụ dỗ tới tham chiến ở Syria.
Tuy nhiên, những biện pháp phòng ngừa trong vài tháng qua chưa đủ, thủ tướng 39 tuổi nói. "Một chiến dịch trấn áp thôi là chưa đủ".
Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon thề sẽ "làm trong sạch" Molenbeek. Phe bảo thủ đổ lỗi cho sự giám sát lỏng lẻo của những người tiền nhiệm cánh tả, những người theo chủ nghĩa dân tộc, và những người đứng đầu Molenbeek; còn cộng đồng nói tiếng Hà Lan và tiếng Pháp ở Brussels và miền nam không ngừng tranh cãi về chuyện làm thế nào để kiềm chế những người theo phe cấp tiến.
Những bất đồng như vậy, thể hiện rõ ở việc chính phủ phân chia thành nhiều tầng lớp và những chính sách nỗ lực xoa dịu các lực lượng ly khai từ lâu đe dọa đến sự thống nhất của nước Bỉ, cũng gây khó khăn cho công tác tình báo và an ninh.
"Bỉ là một nước liên bang, do đó, kẻ khủng bố luôn tận dụng lợi thế này", Edwin Bakker, giáo sư Trung tâm Chính sách khủng bố và Hoạt động chống khủng bố ở đại học Leiden, Hà Lan, nhận xét. "Quá nhiều tầng lớp trong chính phủ đã hạn chế sự trao đổi thông tin giữa các nhà điều tra".
Thu thập thông tin tình báo đối với những nơi như Molenbeek, khu vực hơn 90.000 dân sinh sống mà 80% là người Hồi giáo, cực kỳ khó khăn, Bakker đánh giá. "Nhiều vùng ở Bỉ, có những địa bàn mà ở đó, cảnh sát hầu như không nắm vững, là những nơi rất tách biệt, có cảm giác như không thuộc liên bang Bỉ."
"Trong trường hợp đó, rất khó để lấy tin từ cộng đồng. Có nghĩa là, có thể hàng xóm ở đó đã nhìn thấy vài điều xảy ra, nhưng họ sẽ không báo cho cảnh sát. Đối với cơ quan tình báo, nếu chỉ dựa vào hoạt động tình báo và cảnh sát địa phương thì không đủ".
Chính trị phức tạp cũng là nguyên nhân gây chậm trễ việc thông qua luật mới, ví dụ như kiểm soát việc tuyên truyền sự thù địch trong các nhà thờ Hồi giáo, hoặc chiêu mộ và đưa người tới tham chiến ở Syria.
Molenbeek là một trong số những nơi nghèo nhất tây bắc châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp ở đây là 25%, với thanh niên con số lên tới 37% - cao hơn nhiều so với những khu vực khác thuộc Brussels, nơi tầng lớp trung lưu sinh sống.
Giới chức Bỉ cũng đang ngày càng lo ngại về sự ảnh hưởng của những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Chỉ có một ít trong nhóm này nói rằng ủng hộ các giá trị dân chủ và lên án "những hành động man rợ".
Cội nguồn
George Dallemagne, một thành viên phe trung hữu trong quốc hội liên bang, cho rằng rắc rối bắt nguồn từ những năm 1970, khi ngành công nghiệp nặng nghèo tài nguyên của Bỉ bắt tay với Arab Saudi để phát triển, đổi lại, Bỉ cung cấp nhà thờ Hồi giáo cho những người truyền đạo đến từ vùng Vịnh.
Lúc đó, những tư tưởng truyền giáo chính thống của họ xa lạ với hầu hết những người Bỉ gốc Morocco nhập cư.
"Chính sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Salafist là một trong những đặc thù đẩy nước Bỉ vào trung tâm của chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu ngày nay", Dallemagne nói. Salafist là những người theo tư tưởng Hồi giáo chính thống dòng Sunni, cho rằng Hồi giáo do Muhammad sáng lập là hoàn hảo, nhưng bị suy yếu bởi chủ nghĩa duy vật, duy lý và đổi mới.
Đương nhiên, nước Bỉ không chỉ có Molenbeek mà còn có Sharia4belgium, một tổ chức thông thạo truyền thông xã hội. Lãnh đạo và hàng chục thành viên tổ chức này đã bị kết án đầu năm nay ở Antwerp vì việc chiêu mộ hàng chục người tới Syria tham chiến.
Tuy nhiên, theo lời Thủ tướng Michel, có sự kết nối liên tục giữa Molenbeek và các vụ tấn công của người Hồi giáo ở châu Âu kể từ vụ đánh bom xe lửa năm 2004 ở Madrid, Tây Ban Nha. Một trong những kẻ bị kết án tù là người Morocco sống ở Molenbeek.
Mehdi Nemmouche, công dân Pháp từng tấn công Bảo tàng Do Thái ở Brussels năm 2014 khiến 4 người thiệt mạng, cũng từng sống ở Molenbeek. Hồi tháng một, cảnh sát Bỉ đã bắn chết hai người ở thị trấn miền đông Verviers, chặn đứng âm mưu bắt cóc và chặt đầu một cảnh sát trước camera, nhiều manh mối cũng chỉ về Molenbeek.
Amedy Coulibaly, kẻ tấn công vào một siêu thị ở Paris sau vụ thảm sát tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng một, được cho là đã mua súng đạn tại khu Molenbeek. Gần đây nhất, công tố viên cho biết, tên Ayoub El Khazzani, công dân Morroco bị phát hiện có âm mưu tấn công hành khách trên tàu cao tốc từ Paris đến Amsterdam, được cho là đã mua khẩu AK-47 và gần 300 viên đạn cũng ở nơi đây.
Nơi ẩn náu lý tưởng
"Molenbeek là điểm dừng chân cho bọn tội phạm và những kẻ cực đoan", Benyaich, chuyên gia Viện Itinera nói. "Đó là nơi chúng có thể ẩn mình".
Dallemagne nói thêm: "Những kẻ khủng bố đang hoạt động cực đoan trên Pháp, tới Syria tham chiến, và rồi quay lại Molenbeek - nơi cung cấp hậu cần và mạng lưới cần thiết để chúng thực hiện tấn công khủng bố, có thể ở Bỉ hay nước ngoài".
"Nơi đây giống như căn cứ của jihad", Dallemagne nhấn mạnh.
Một trong những điều hấp dẫn nhất ở đây, đó chính là vũ khí, các nhà điều tra cho biết.
Nils Duquets, một nhà nghiên cứu tại Viện Hòa bình Flemish, nói rằng trở lại năm 2006 khi mà nước Bỉ - nơi có doanh nghiệp nhà nước FN Herstal chuyên sản xuất súng đạn cho quân đội các nước trên thế giới, cho phép người dân dễ dàng có được quyền sở hữu súng.
"Với quyền cho phép sở hữu súng, dễ dàng để tìm mua vũ khí bất hợp pháp tại Bỉ", Duquet nói. "Bọn tội phạm thường tìm đến mua vũ khí một cách hợp pháp. Và chúng tiếp tục đến, vì phát hiện đã tìm ra đúng nơi, đúng người để mua vũ khí, thậm chí sau năm 2006".
Súng AK dùng trong vụ tấn công Paris hồi tháng một và hôm 13/11, chủ yếu là súng cũ từ cuộc chiến tranh Nam Tư tuồn đến Tây Âu, Duquet nói. Các nhà điều tra cũng đang xem xét mối liên hệ giữa những vụ tấn công ở Paris và một người Montenegro bị bắt tại Đức trong tháng này, có súng giấu trong xe.
Các bộ trưởng trong Liên minh châu Âu sẽ họp khẩn cấp tại Brussels vào ngày 20/11, theo đề nghị của Pháp, và bàn luận cách giải quyết mối lo ngại lâu dài về lưu thông súng ống.
Tuy nhiên, có một vấn đề khó là, "không ai biết có bao nhiêu vũ khí bất hợp pháp ở Bỉ", Duquet nói. "Sự thực là không ai biết cả".
Hồng Hạnh