Người phụ nữ ăn to nói lớn, bạo nhất cái xóm có 5 phòng trọ toàn lao động từ quê ra phố, làm phục vụ quán ăn, nhặt ve chai, giúp việc theo giờ..., được mọi người tin cậy giao việc quan trọng nhất của xóm trọ những ngày này.
Đi chợ về, bà Đỗ Thị Thơ nhớ lời dặn, nấn ná đứng đợi ở đầu ngõ 79 Dương Quảng Hàm, xem có hội nhóm nào tặng nhu yếu phẩm thì xin 5 suất.
Dưới gốc đa cổ thụ, nơi để sẵn chiếc bàn gỗ buổi trưa những ngày giãn cách thường có chục suất cơm miễn phí cho lao động gặp khó của một bếp ăn. Nhưng người nhận phải nằm trong danh sách của tổ dân phố, hội chữ thập đỏ phường. Bà Thơ không có, lủi thủi đi về xóm trọ nằm tít trong ngóc ngách của phố Dương Quảng Hàm.
![Bà Đỗ Thị Thơ, lao động tự do đã không còn thu nhập nửa tháng nay. Ảnh: Hồng Chiêu](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/09/xomdicu1-4801-1628453442.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KALBTfd_cmpPgRR4xRpjPg)
Bà Đỗ Thị Thơ, lao động tự do đã không còn thu nhập nửa tháng nay. Ảnh: Hồng Chiêu
Những xóm trọ cho lao động di cư như bà Thơ thường nằm sâu trong những con ngõ ngoằn ngoèo, lọt thỏm dưới bóng nhà cao tầng ở Cầu Giấy, Đống Đa, Nam - Bắc Từ Liêm... Không có con số thống kê chính thức, nhưng theo điều tra Di cư nội địa quốc gia năm 2015, tỷ lệ người di cư chiếm 16,3% trong tổng dân số từ 15 đến 59 tuổi của Hà Nội. Phần lớn họ làm công việc chân tay, giản đơn, hầu như không có tích lũy, không được bao phủ bởi lưới an sinh. Và họ đứt hẳn thu nhập trong những ngày thành phố cách ly xã hội để chống dịch.
Người phụ nữ quê Thanh Hóa ra Hà Nội đã gần chục năm. Ngày chưa dịch, bà Thơ đi rửa bát theo giờ, lau dọn bàn ghế cho các quán ăn quanh Cầu Giấy. Tháng đều việc có thể kiếm được 4 triệu đồng hoặc hơn. Vãn việc, bà đi nhặt nhạnh đồng nát kiếm thêm tiền đong gạo, mua rau.
Bà thuê trọ trong căn phòng chưa đầy mười mét vuông, đủ kê một chiếc giường đơn, một cái bàn, vệ sinh, tắm giặt chung với cả dãy, mỗi tháng 1,3 triệu đã có điện nước. Ở quê, bà đã lo xong cho hai đứa con, gửi tiền về cho chồng đi trị liệu thoát vị đĩa đệm. Bà Thơ chỉ về nhà mỗi năm vài đợt, Tết và khi nhà có công to việc lớn.
Hồi đầu tháng 5, chủ quán nhắn bà không cần đi làm nữa. Đây là lúc Hà Nội đóng cửa quán ăn uống vỉa hè khi ghi nhận 3 ca dương tính Covid-19. Nhưng dịch diễn biến khó lường, chỉ chưa đầy hai tháng sau, thủ đô áp dụng cách ly xã hội trong vòng 15 ngày, tính từ 6h sáng 24/7. Hàng quán đồng loạt đóng cửa, không được ra đường, nhiều ngày liên tục bà Thơ không kiếm nổi một đồng.
![Chị Thắm chuẩn bị cơm trưa với một mớ rau dền chia đôi cho hai bữa mỗi ngày, tháng 8/2021. Ảnh: Hồng Chiêu](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/09/xomdicu2-9905-1628453442.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EGeNR8Zp7Hb6bHNABe2Vgg)
Trong phòng trọ, chị Thắm chuẩn bị cơm trưa với một mớ rau dền chia đôi cho hai bữa mỗi ngày, tháng 8/2021. Ảnh: Hồng Chiêu
Phòng bên, chị Ôn Thị Hồng Thắm, quê Tuyên Quang đang nấu cơm trưa. Một bát canh rau dền ăn với cơm trắng. Mớ rau 5.000 đồng mua buổi sáng chia đôi ăn cả ngày. Bảy cân gạo đong từ cuối tháng 6 vẫn còn, chị không lo đói, nhưng vẫn phải ăn dè. Hôm đấy chị bảo hàng gạo bớt đi ba cân, trong khi bình thường vẫn đong cả yến. Thi thoảng Thắm đi chợ, mua thêm cái bánh mì đặc ruột 8.000 đồng, ra vào nhấm một tí, no cả ngày. Chị không dám vung tay, vì sợ đợt giãn cách sẽ lại kéo dài khi dịch còn khó đoán.
"Không làm ra một đồng, nhưng vẫn phải ăn", Thắm cười, giọng lí nhí.
18 năm bám trụ thủ đô, Thắm làm giúp việc theo giờ, đi khắp nẻo từ sáng đến tối. Chị không nói về thu nhập, chỉ kể "đang nuôi một đứa con, gửi trên quê cho ông bà". Thi thoảng nhớ con, chị bắt xe khách về Tuyên Quang thăm nó.
Tháng 4 năm ngoái khi Hà Nội cách ly xã hội, những lao động tự do như bà Thơ, chị Thắm còn rủ nhau đi xin gạo, mì tôm ở các "cây ATM thực phẩm" miễn phí. Năm nay dịch bùng dữ dội, chủng mới siêu lây nhiễm, mọi người sợ không dám ra ngoài, cũng không dám ra vì có thể bị phạt. Họ chỉ trông Hà Nội hết cách ly để đi làm tiếp, không ai lựa chọn về quê. "Về thì biết lấy gì để sống" là suy nghĩ chung của nhiều người.
Tuần trước bà Thơ lắng tai nghe trên tivi thông tin "hỗ trợ cho lao động tự do 1,5 triệu đồng". Bà hăm hở rủ cả xóm kê thông tin vào một tờ giấy, ký tên rồi gửi tổ trưởng dân phố. Sốt ruột sau bốn ngày chờ đợi, bà hỏi thì được biết không đúng mẫu đơn.
Theo quy định của Hà Nội, lao động tự do muốn được nhận hỗ trợ, phải làm đơn theo mẫu kèm xác nhận tình trạng cư trú; xác nhận không hưởng tại nơi thường trú nếu nhận hỗ trợ ở đây. Giấy tờ nộp lên phường, chờ các cấp xét duyệt trong 10 ngày. Bà Thơ không thể in mẫu đơn khi cửa hàng photo đã đóng cửa, cũng không thể về quê xin xác nhận khi tàu xe đều đã tạm ngừng hoạt động. Bà đành bỏ cuộc.
![Chị Lương, quê Nghệ An, ra Hà Nội làm quét dọn trong các công trình xây dựng từ năm 2019. Ảnh: Hồng Chiêu](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/09/xomdicu3-6740-1628453442.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QMPVhLtM-11_7GIJi1NlQQ)
Chị Lương, quê Nghệ An, ra Hà Nội làm quét dọn trong các công trình xây dựng từ năm 2019. Ảnh: Hồng Chiêu
Cách hơn chục km về phía tây nam, Hà Đông – nơi đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ với hàng chục khu chung cư cao tầng mọc lên. Nhiều công nhân xây dựng đang "mắc kẹt" tại các lán trọ nằm ngay trong công trường, khi công trình ngừng thi công.
Sau cánh cổng tôn luôn đóng kín, gần 200 lao động trú trong một dãy lán tôn 16 phòng, dựng trên khu đất trống chờ xây dựng của phường Phú La. Phòng ở quây tôn, bắn khung sắt, căng lều bạt làm mái hiên. Trên mái lán lắp vòi phun nước, cố giảm đi cái oi nóng những ngày thủ đô gần 40 độ C. Buổi chiều tắt nắng, phụ nữ tranh thủ tắm cho trẻ con, trai tráng vác ghế ra ngồi trước cửa hóng gió.
Cửa khu lán thường chỉ mở khi có người đi chợ, và mỗi chiều khi nhận cơm miễn phí. 200 suất ăn 0 đồng, họ nhận được trong nửa tháng qua nhờ sự hỗ trợ, kết nối của các cán bộ phường Phú La với một bếp ăn từ thiện.
Trong căn lán chục mét vuông có ba gia đình cùng ở, chị Đỗ Thị Lương chia thức ăn ra bát, gom cơm vào tô lớn chuẩn bị cơm chiều. Việc lặp lại suốt nửa tháng qua. Sáng 24/7, chị Lương vẫn đeo xà cạp, trùm kín khẩu trang bên trong, thêm lượt khăn chống bụi, chống nắng phía ngoài, cùng anh em sang công trường đối diện lán làm việc. 6h45 cùng ngày, các tổ trưởng thông báo ngừng thi công, cho công nhân về lán, ai ở đâu yên đấy.
Lương thấy may khi trong những ngày không kiếm ra tiền, vợ chồng không bị đứt bữa. "Bên phường cho cơm, sếp công trường cho mỗi lán mấy cân thịt, có hội nhóm cho gạo, mắm, muối, đỡ được qua ngày", chị liệt kê.
Ngồi yên một chỗ, chị Lương kêu buồn chân buồn tay. Những ngày còn được làm việc, chị đi dọn dẹp vôi vữa, vật liệu công trường sau khi cánh thợ xây trát xong. Việc đều, mỗi tháng chị Lương cũng kiếm được khoảng 6 triệu đồng. "Ở quê làm ruộng gì ra mỗi tháng ngần nấy tiền", thế là chị kéo chồng, anh Nguyễn Xuân Lộc từ Đô Lương (Nghệ An) ra theo. Họ cho mượn ruộng, chỉ để lại hai sào trồng lấy lúa ăn, gửi hai đứa con cho ông bà nội chăm, rồi khăn gói ra thủ đô.
![Công nhân xây dựng mang cơm được hỗ trợ miễn phí về phòng, tháng 8/2021. Ảnh: Hồng Chiêu](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/09/xomdicu5-8893-1628453442.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yvI-WJnuorFGKQtrx2H9Kg)
Công nhân xây dựng mang cơm được hỗ trợ miễn phí về phòng, tháng 8/2021. Ảnh: Hồng Chiêu
Ngồi khoanh tay, bó gối trước ấm nước chè, Đào Văn Vượng đếm từng ngày hết giãn cách để còn kiếm tiền bù ngày công vào số lương đã ứng. Cuối tháng trước, ông bố 29 tuổi tìm chủ, xin ứng gần chục triệu gửi về Vĩnh Phúc cho vợ chi tiêu, nuôi hai đứa con gái.
Hôm 28/5, khi quê nhà khống chế được dịch, Vượng bắt xe ngay xuống Hà Nội làm thợ xây. Tưởng đã yên, ai ngờ dịch còn bùng phát mạnh hơn. Vượng ở dưới này giãn cách, trên quê, vợ anh cũng đang giãn việc, ở nhà gần chục ngày nay. Đi làm hơn hai tháng đã phải "ngồi yên một chỗ" mất 15 ngày, Vượng không dám xin ứng thêm, vì ngại.
Trước mỗi ngày quần quật trên công trường 8 tiếng thấy khỏe, giờ nhàn rỗi ngồi một chỗ, chỉ ăn rồi nằm, Vượng lại thấy đau người. Cuộc sống của trăm thanh niên trai tráng loanh quanh khu lán trại, họ giết thời gian bằng nước chè, thuốc lào, hoặc lướt mạng xã hội.
Anh Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban an toàn thi công dự án, cũng là người coi sóc cuộc sống của gần 200 lao động trong nửa tháng qua. Anh cho biết, quản lý ba ngày phát phiếu một lần, các lán sẽ cử người đi chợ mua đồ về nấu ăn cho cả chục người. Họ vượt qua nửa tháng giãn cách từ sự hỗ trợ của đoàn thể phường, song vẫn cần trợ giúp nhu yếu phẩm cho những ngày sắp tới khi chưa thể đi làm.
"Anh em chỉ mong hết giãn cách. Ngồi một chỗ cũng sốt ruột, toàn thanh niên sức dài vai rộng, không ai muốn ỷ lại", anh nói.
Hôm qua, con gái đầu lòng gọi điện cho chị Lương, xin tiền mua sách vở đầu năm học mới. Chị lật đật tìm chủ, xin ứng 2,5 triệu đồng gửi về cho hai đứa nhỏ. Chị không dám ứng thêm, nghĩ quản lý còn phải lo cho mấy trăm anh chị em cùng cảnh. Điều duy nhất chị có thể làm bây giờ, là ngồi yên đợi đến ngày 23/8, khi đợt cách ly xã hội kết thúc.
Hồng Chiêu