Nội dung trên nằm trong kế hoạch hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn vừa được UBND thành phố ban hành.
Người được hỗ trợ phải đủ 15 tuổi trở lên, cư trú hợp pháp và bị mất việc làm do tạm dừng hoạt động theo quyết định chống dịch của thành phố, từ 1/5 đến 31/12/2021; lao động tự do bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
Từ ngày 30/4 đến 18/7, Hà Nội ban hành 7 văn bản chống dịch, tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh không thiết yếu. Các nhóm lao động tự do được hỗ trợ tương ứng nằm rải rác trong các quyết định này.
Theo đó, nhân viên quán karaoke, bar, vũ trường, game; phục vụ quán ăn, uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè; người làm việc trong các cửa hàng ăn uống quanh Viện K Tân Triều và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh) khi hai nơi này bị phong tỏa; phục vụ nhà hàng bia, quán bia, bia hơi; nhân viên nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ bị mất việc khi thành phố chỉ cho bán ăn uống mang về; nhân viên cắt tóc, gội đầu; lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng theo Công điện 15 hôm 18/7...
Người lao động lập hồ sơ theo mẫu gửi đến UBND cấp xã, phường nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng. Hồ sơ gồm có đơn đề nghị hỗ trợ; bản photo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường cấp. Đơn đề nghị hỗ trợ gồm những thông tin cơ bản như tên tuổi, quê quán, số căn cước, công việc chính, nơi làm và thời điểm mất việc. Người lao động có thể chọn hình thức nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, bưu điện hoặc chi trả trực tiếp.
Nếu nơi thường trú và tạm trú khác nhau, người lao động muốn hưởng trợ cấp tại nơi tạm trú phải xin giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú và ngược lại.
Tối đa 10 ngày sau khi nhận được hồ sơ, chính quyền hai cấp xã, huyện phải rà soát, thẩm định và chi trả tiền tới tay người lao động. Danh sách người đủ điều kiện được niêm yết công khai. Thời gian xét duyệt hồ sơ chậm nhất ngày 31/1/2022.
Từ cuối tháng 5 đến nay, Hà Nội hai lần tạm dừng hoạt động cơ sở ăn uống, chỉ cho bán mang về; quán cắt tóc, gội đầu. Lần thứ nhất ngày 25/5 và mở cửa trở lại ngày 22/6. Lần thứ hai hôm 13/7 cho đến khi có thông báo mới. Quán bia, ăn uống vỉa hè, cơ sở massage, rạp chiếu phim, spa, gym hơn hai tháng qua chưa được mở cửa. Lao động tự do là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc tạm dừng này.
Chính phủ hôm 1/7 tung gói an sinh 26.000 tỷ đồng với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch. Lao động tự do nằm trong nhóm cuối cùng, được giao về cho các tỉnh thành tự hỗ trợ trên cơ sở cân đối ngân sách, song không thấp hơn 1,5 triệu đồng hoặc 50.000 đồng một ngày.
* Xem cụ thể Quyết định và mẫu đăng ký.
Hồng Chiêu