Chiều đầu tháng 6, bến phà bờ nam sông Cổ Chiên, xã Vĩnh Bình, xình xịch tiếng máy xúc đang cẩu những bao cát gia cố bờ bao ao nuôi cá tra. Cạnh đó, căn miếu thờ của người dân nằm cách bờ sông 50 m, nay xiêu vẹo sát mé nước. Phía bên trong, căn nhà cấp bốn bỏ hoang, ngập nước sau trận lở đất cuối năm ngoái.
Đứng bên cầu tàu bến phà, chị Nguyễn Thị Mộng Tuyền (35 tuổi) cho biết mới năm ngoái, nơi đây là căn nhà của gia đình mình. Trước đó, dù một số đoạn bờ sông sạt lở, chị không bao giờ nghĩ rằng căn nhà cho thuê đồ cưới bị ảnh hưởng, bởi cách bờ sông đến hơn 50 m.
Đêm tháng 9 năm ngoái, chị đang ở trong nhà, bỗng người hàng xóm thấy hàng cây phía trước bị lở xuống sông nên hô hoán. Chị Tuyền cùng người thân hốt hoảng cố gom góp đồ đạc ra khỏi căn nhà. "Bắt đầu là tiếng kêu răng rắc, cửa kính vỡ vụn, rồi chỉ trong vòng 15 phút, toàn bộ căn nhà trôi xuống sông, tôi chỉ kịp vớt vát được mấy bộ đồ cưới", chị Tuyền nhớ lại.
Sau sự cố, gia đình chị phải đến nhà người quen gần đó tá túc. Từ sau Tết, chị vay mượn thêm cùng với tiền tích cóp và miếng đất mẹ cho cất căn nhà mới hơn 100 triệu đồng tiếp tục kinh doanh nghề cho thuê áo cưới. Rút kinh nghiệm từ lần trước, căn nhà mới của gia đình chị Tuyền xây lùi vào bên trong, cách bờ sông hơn 100 m.
Trong hàng chục người dân sống quanh khu vực cồn Phú Đa, có lẽ chị Ngô Thị Cẩm Hương là người có kinh nghiệm "chạy lở" đau buồn nhất. Trước đây, gia đình chị gồm ba người bán nước giải khát sát cặp bờ sông phục vụ người dân qua lại phà.
Cuối năm 2017, sau nhiều năm tích cóp, họ xây căn nhà cấp 4 gần 200 triệu đồng. Mới dọn vô ở chưa được một tuần, cả căn nhà trôi xuống sông vì sạt lở. Chị Hương sau đó đến ở nhờ căn nhà cũ của mẹ dọc bờ sông, song chỉ ba năm sau căn nhà này tiếp tục bị "hà bá" nuốt chửng.
"Năm ngoái, chỗ ở tạm tiếp tục bị lở đe dọa, gia đình tôi phải lùi sâu vào trong và cất quán bán nước, tính ra 5 năm tôi mất hai căn nhà và 4 lần di dời", chị Hương nói.
Ông Trần Hữu Nghị, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, cho biết toàn huyện có 5 km vị trí xung yếu thường hay sạt lở, nhất là vào mùa mưa. Khu vực sạt lở nặng nhất thuộc bờ nam cồn Phú Đa giáp sông Cổ Chiên, gồm 2 ấp Phú Đa, Phú Bình (Vĩnh Bình) rộng trên 300 ha, trong đó có 60 ha đất nuôi trồng thủy sản cùng hơn 2.000 người dân sinh sống.
"5 năm qua, khu vực cồn thường xuyên xảy ra nhiều vụ sạt lở, cuốn trôi hàng chục nhà dân, ao nuôi cá xuống sông", ông Nghị nói và cho biết mỗi năm, huyện được cấp khoảng hai tỷ đồng để gia cố các vị trí bị sạt lở. Kinh phí có hạn, việc gia cố các vị trí sạt lở chủ yếu dùng thân dừa cắm xuống mé sông để giữ đất.
Năm 2020, tỉnh Bến Tre đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng bờ kè dài một km ở khu vực cồn Phú Đa để chống sạt lở. Tuy nhiên, khi công trình chưa kịp nghiệm thu, một đoạn bờ kè vài chục mét bị trôi xuống sông.
"Hiện khu vực cồn còn khoảng 7 km bờ sông cần được xây bờ kè kiên cố để đảm bảo an toàn cho đời sống người dân", ông Nghị nói và cho biết do lòng sông Cổ Chiên đoạn qua khu vực này sâu trên 20 m, Sở Khoa học và Công nghệ đang khảo sát, sau đó báo cáo tỉnh để có biện pháp bảo vệ dài hạn cho khu vực đất cồn.
Hiện, Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận trên 500 điểm sạt lở ven sông, biển, tổng chiều dài hơn 800 km. Mỗi năm, sạt lở làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển, hơn 19.000 hộ dân ven sông phải di dời khỏi vùng nguy hiểm. Năm nào xâm nhập mặn càng khốc liệt, sạt lở nặng hơn.
Hoàng Nam