Ngày 26/9, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, cho biết mẫu tượng đài được lựa chọn trong một cuộc thi thiết kế bốn năm trước. Sở sẽ xin ý kiến Thường trực Tỉnh uỷ và các đơn vị liên quan về phương án trưng bày mẫu trong tuần sau.
Theo ông Hồng, tại Hội nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ngày 14/9, các đại biểu đã thống nhất với mẫu phác thảo do Ban cán sự UBND tỉnh trình. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch sau đó được giao cùng các đơn vị liên quan hoàn thiện phương án, xin ý kiến nhân dân để tạo sự đồng thuận.
Trước đây, một số ý kiến cho rằng mẫu phác thảo tượng đài chưa hợp lý khi phần đế chưa cân xứng với hình tượng Bà Triệu phía trên; tượng voi có phần nặng nề, không thể hiện được sự uy phong của nhân vật...

Phác thảo mẫu tượng đài Bà Triệu vừa được Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa thống nhất. Ảnh: Lam Sơn
Tượng đài bà Triệu dự kiến đặt trên núi Gai, là điểm nhấn trong dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc. Dự án được HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua ngày 10/12/2021, có tổng vốn khoảng 256 tỷ đồng gồm ngân sách, vốn do Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam quyên góp, các nguồn nguồn huy động hợp pháp khác (khoảng 106 tỷ đồng) và vốn do một tập đoàn tài trợ (khoảng 150 tỷ đồng). Thời gian thực hiện dự án là 2022-2025.
Hạ tầng kỹ thuật khu tượng đài Bà Triệu dự kiến xây dựng trên quy mô khoảng 5 ha, gồm các hạng mục như nhà đón tiếp kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm, quảng trường, đường dạo xung quanh tượng đài, đường lên núi...Tượng đài Bà Triệu được làm bằng chất liệu đồng, cao 36 m, vốn dự tính 150 tỷ đồng
Theo UBND tỉnh Thanh Hoá, dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật của di tích, tôn vinh lòng yêu nước, ý chí quật cường của nữ anh hùng dân tộc Bà Triệu cùng nghĩa quân, đấu tranh giải phóng dân tộc. Di tích cũng được kỳ vọng trở thành điểm du lịch văn hóa, lịch sử của địa phương.

Một góc đền thờ Bà Triệu ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc. Ảnh: Lê Hoàng
Trước đó, đầu tháng 5/2020, UBND huyện Yên Định từng đề xuất UBND tỉnh Thanh Hoá cho phép xây dựng tượng đài Bà Triệu tại khu công viên quảng trường trung tâm huyện. Công trình dự kiến làm bằng đá, chiều cao 12-18 m với số vốn khoảng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá sau đó yêu cầu huyện này dừng triển khai với lý do "dành nguồn lực cho các dự án, công việc dang dở".
Theo tài liệu, Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) sinh ngày 2/10, năm Bính Ngọ (226) ở vùng miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hóa). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Bà Triệu đến ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Quan Yên.
Là người giỏi võ nghệ, năm 20 tuổi, Triệu Thị Trinh đã cùng anh trai chiêu mộ hơn nghìn tráng sĩ ở núi Nưa. Năm Mậu Thìn (248), thấy quan lại nhà Đông Ngô - Trung Quốc tàn ác, dân gian khổ sở, Bà Triệu cùng anh trai dấy binh khởi nghĩa, được nhân dân khắp nơi hưởng ứng. Sức mạnh của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, khiến quân giặc khiếp sợ. Tuy nhiên, Triệu Quốc Đạt lại lâm bệnh qua đời, Triệu Thị Trinh được tôn làm chủ tướng.
Thấy vậy, quân Ngô cử 8.000 quân hùng mạnh cùng nhiều viên tướng giàu kinh nghiệm trận mạc sang đàn áp nghĩa quân. Do lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân của nữ tướng xứ Thanh thất bại. Bà Triệu tuẫn tiết tại núi Tùng (Hậu Lộc) vào ngày 22/2, năm Mậu Thìn (248). Để tưởng nhớ công lao của Bà Triệu, nhân dân địa phương đã lập đền thờ bà trên núi Gai.