Ngày 7/5, ông Lê Xuân Thành - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Định cho hay, địa phương mới có văn bản báo cáo chi tiết và dự trù kinh phí cho dự án xây dựng tượng đài nêu trên. "Khi nào tỉnh đồng ý chủ trương, huyện sẽ thực hiện vào thời điểm thích hợp", ông Thành nói.
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Định, tượng đài Bà Triệu sẽ dựng tại khu công viên quảng trường trung tâm huyện, dự kiến làm bằng đá, chiều cao 12-18 m; thời gian thi công trong giai đoạn 2020-2023.
Lãnh đạo huyện Yên Định lý giải, bà Triệu (tức Triệu Thị Trinh) - người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Đông Ngô, quê ở vùng đất Cửu Chân, nay thuộc làng Quan Yên (hay còn gọi là Yên Thôn), xã Định Tiến, huyện Yên Định.
"Việc xây dựng tượng đài Bà Triệu trên quê hương bà là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục tinh thần yêu nước không chịu khuất phục trước kẻ thù của dân tộc Việt Nam cho thế hệ hiện tại và mai sau", báo cáo của huyện Yên Định nêu.
Việc UBND huyện Yên Định đề xuất xây dựng tượng đài Bà Triệu gây nhiều ý kiến trái chiều do Huyện ủy, UBND huyện này đang mắc nợ nhiều cá nhân, tổ chức khoản tiền lớn chưa chi trả.
Trong giai đoạn 2013-2015, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Yên Định đã vay của nhiều cá nhân trong và ngoài cơ quan để chi tiếp khách, ăn uống, sửa xe, lắp bàn ghế... với số tiền hơn 50 tỷ đồng.
Trước việc huyện đang nợ tiền như nêu trên nhưng vẫn xin xây tượng đài, ông Lê Xuân Thành nói "không có gì nhạy cảm vì kế hoạch đề ra trong năm nay, còn việc xây dựng cơ bản là của nhiệm kỳ sau, theo kế hoạch phân bổ ngân sách giai đoạn 2021-2025".
Hiện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa chưa phản hồi về đề xuất của huyện Yên Định.
Yên Định là huyện đồng bằng, nằm cách TP Thanh Hóa gần 30 km, được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Năm 2019, thu ngân sách địa phương đạt gần 1.150 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người hơn 41 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,52%...