Từ tháng 11/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho hay Bắc Kinh nghiêm túc quan tâm đến việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từng được biết đến với tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
TPP là trọng tâm trong chiến lược xoay trục sang châu Á của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, được coi là một nỗ lực nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Donald Trump, người kế nhiệm Obama, hồi năm 2017 quyết định rút Mỹ khỏi TPP với lý do không mang lại lợi ích cho người lao động nước này. Sau khi Mỹ rút, 11 nước còn lại vẫn quyết tâm xây dựng hiệp định, dẫn đến sự ra đời của CPTPP.
Vì vậy, việc Trung Quốc hôm 16/9 thông báo nộp đơn xin gia nhập CPTPP tạo nên tình huống khá trớ trêu. Một hiệp định ban đầu được thiết kế nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực thương mại và đối đầu Trung Quốc giờ đây lại được chính Bắc Kinh xin gia nhập, trong khi Washington đứng ngoài lề.
"Đây rất có thể là một động thái ngoại giao, thay vì theo đuổi tính toán kinh tế dài hạn. Ngay cả việc bắt đầu đàm phán với Bắc Kinh cũng sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Chúng tôi vốn biết Australia và Nhật bất mãn với Trung Quốc", một giáo sư giấu tên tại Bắc Kinh nhận định, nói thêm rằng khả năng Trung Quốc đồng ý tuân thủ các yêu cầu của CPTPP cũng vô cùng thấp.
"Điều này tương tự lý do thúc đẩy Trung Quốc ký kết Hiệp định Đầu tư Toàn diện với Liên minh châu Âu (EU). Có lẽ Trung Quốc cảm thấy họ cần gửi thông điệp tới Mỹ rằng Bắc Kinh không thể bị tẩy chay", giáo sư nêu quan điểm.
Tờ Global Times thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng cho biết đơn xin gia nhập CPTPP giúp củng cố "vị thế dẫn đắt thương mại toàn cầu" của Bắc Kinh và khiến Washington "ngày càng bị cô lập".
Peter Petri, chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, và Michael Plummer, giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng ngoài các lợi ích kinh tế, Trung Quốc có thể tính đến hiệu quả của việc tăng cường quan hệ ngoại giao khu vực khi nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Quá trình này sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc trao đổi với các nước láng giềng ở châu Á và những nền kinh tế lớn ở châu Mỹ, hướng tới xây dựng một hệ thống khu vực mở.
Bằng việc nộp đơn gia nhập CPTPP, Trung Quốc dường như muốn chứng tỏ với thế giới rằng họ cam kết tuân thủ các quy tắc thương mại, vốn là một phần quan trọng trong hệ thống trật tự đa phương dựa trên luật pháp quốc tế mà Mỹ đã dần rời xa từ thời Trump.
Bắc Kinh nhiều khả năng cũng kỳ vọng rằng với việc gia nhập CPTPP, họ sẽ thiết lập quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á, từ đó xoa dịu các căng thẳng chính trị khu vực và tăng cường ảnh hưởng của khu vực Đông Á trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, Mỹ đang nắm trong tay một số vũ khí để có thể ngăn chặn tính toán này của Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập CPTPP, Mỹ bày tỏ mong muốn các nước thành viên trong hiệp định xem xét kỹ lưỡng "những hành vi thương mại phi thị trường", cũng như "việc sử dụng biện pháp cưỡng ép kinh tế chống lại các nước khác" của Trung Quốc.
Thỏa thuận thương mại năm ngoái giữa Mỹ, Mexico và Canada (USMCA) cũng yêu cầu các bên phải thông báo cho nhau trước khi ký bất cứ hiệp định thương mại tự do nào với "nền kinh tế phi thị trường", ám chỉ Trung Quốc. Điều khoản này có thể là vũ khí để Mỹ răn đe Mexico và Canada, hai thành viên của CPTPP, tham gia đàm phán để Trung Quốc gia nhập.
Hai quốc gia láng giềng của Mỹ nhiều khả năng sẽ không đánh đổi USMCA để chấp nhận cho Trung Quốc trở thành thành viên CPTPP, theo Matthew Silbermanis, bình luận viên của trang SupChina.
Bryan Mercurio, chuyên gia về hiệp định thương mại tự do và luật thương mại tại Đại học Trung văn Hong Kong, đánh giá việc nộp đơn vào CPTPP còn đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xây dựng hình ảnh "đối tác chiến lược cho sự tăng trưởng và phát triển, không phải kẻ bắt nạt hoặc đe dọa" của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không thay đổi luật và chính sách trong nước theo những tiêu chuẩn của CPTPP.
"Trung Quốc sẽ đối mặt nhiều khó khăn và cần đưa ra hành động cụ thể, đồng thời phải nỗ lực về mặt ngoại giao để giành sự ủng hộ từ các nước thành viên trong CPTPP, tăng cường niềm tin của họ và xóa tan nghi ngờ", Su Qingyi, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới của Trung Quốc, đánh giá. "Các cuộc đàm phán sẽ là một trận chiến rất dài".
Ánh Ngọc (Theo SCMP, Diplomat)