Lần đầu tiên xin lỗi, Chánh văn phòng TP HCM cầm một tờ giấy đọc trong phòng họp chưa đầy chục câu có nội dung xin lỗi người dân thành phố, nhất là những hộ bị ảnh hưởng bởi việc quy hoạch Thủ Thiêm.
Lời xin lỗi được đưa ra trong cuộc họp báo với chủ đề “thông tin kế hoạch thực hiện Thông báo số 1483/TB-TTCP của Thanh Tra Chính Phủ” đối với khiếu nại của dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tức, xin lỗi không phải chủ đề chính và mục đích chính của buổi họp này. Cuộc họp diễn ra tại trụ sở UBND Thành phố, ở trung tâm quận Một. Nó không được diễn ra ở quận Hai, cũng không có người dân Thủ Thiêm nào được mời tham dự cuộc họp. Thành phần tham dự cuộc họp báo là các nhà báo, lãnh đạo các sở ban ngành liên quan, UBND quận Hai.
Trong văn bản ông Hoan đọc, có một số cam kết chung, như “triển khai thực hiện nghiêm túc các kết luận của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc giải quyết khiếu nại của công dân”, “làm rõ các tình tiết, ...trao đổi thống nhất tạo sự đồng thuận”. Nhưng mà, “trong quá trình thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, đối với các vấn đề mới, chưa có tiền lệ hay đụng chạm đến quyền lợi cơ bản của người dân, UBND Thành phố sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để có chủ trương thống nhất về các giải pháp”.
Cách nơi cuộc họp đang diễn ra chỉ 3 km, bên kia bờ sông, người dân Thủ Thiêm - nhân vật chính của lời xin lỗi - ngồi chờ tin và gọi điện hỏi các nhà báo. Khi được hỏi, họ nói họ chờ những hành động khắc phục hậu quả hơn. Và đến hôm nay, họ vẫn đang chờ. Họ vẫn khóc. Họ vẫn nuôi sự bức bối, như khung cảnh đã thấy trong buổi làm việc ngày hôm qua.
Trong cuộc sống, có lẽ ai cũng đã từng nói xin lỗi. Có thể là bởi những va chạm vặt vãnh, lỗi lầm về thái độ ứng xử, hay thậm chí là lừa gạt yêu đương như chúng tay hay thấy trên mục “Tâm sự”. Lời xin lỗi của mỗi cá nhân nặng về tình cảm, nhiều khi chỉ là động thái xoa dịu, không yêu cầu bồi hoàn vật chất. Lời xin lỗi còn nhằm khôi phục phẩm giá, của cả người có lỗi và nạn nhân, chứ không mang tính ràng buộc như khi lôi nhau ra toà.
Nhưng lời xin lỗi của nhà nước, như trường hợp Thủ Thiêm, mang hàm ý khác: đó là một cơ chế giải trình trách nhiệm. Khi nhận sai, nhà nước không chỉ trả lại công lý cho người dân, mà còn buộc phải đền bù những tổn thất về mặt tinh thần và vật chất cho họ. Lý do là bởi quan hệ giữa nhà nước với người dân không bao giờ ngang hàng. Nhà nước luôn có đủ khả năng cưỡng chế thi hành một chính sách, dù có nhiều phản đối. Do vậy, chịu trách nhiệm khi làm sai, nhà nước sẽ gây dựng được niềm tin của người dân và hạn chế các phản ứng thái quá. Sẽ không có vụ việc đau lòng như ở Tiên Lãng năm năm trước, hay của Đồng Tâm năm ngoái, nếu người dân biết mình sẽ không bị thiệt khi chứng minh được nhà nước làm sai một cách ôn hoà.
Song, cái giá của công lý thì không hề rẻ. Lấy ví dụ trong giai đoạn 2010 đến hết 2015, nhà nước nhận giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường, với tổng số tiền là là 111 tỷ 149 triệu 416 nghìn đồng. Có những vụ nổi bật trong đó như trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn, được bồi thường 7,2 tỷ đồng, hay “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén được bồi thường 10 tỷ đồng. Con số này là rất lớn. Và đặc biệt với tư cách của những người đóng thuế, ít ai trong chúng ta thấy hài lòng khi ngân sách phải chi trả cho những sai lầm mang tính cá nhân như vậy.
Theo Luật Bồi thường nhà nước 2009, cán bộ gây ra hậu quả thì phải hoàn trả tiền bồi thường cho ngân sách. Nhưng thực tế thì không được như trên giấy: theo số liệu báo cáo cũng trong giai đoạn 2010 - 2015, chỉ có 676 triệu 742 nghìn đồng tiền bồi hoàn là được trả lại cho ngân sách, tức chỉ chiếm 0,6% con số hơn 111 tỷ đồng nói trên.
Với trường hợp của Thủ Thiêm, câu chuyện sẽ còn khó xử hơn, bởi hầu hết những người có trách nhiệm đã nghỉ hưu. Họ, trên lý thuyết, không có thu nhập nào khác nào mức lương hưu trí hàng tháng mà có lẽ sẽ phải tính đến vài trăm năm mới đền bù được thiệt hại gây ra. Những dân oan, tất nhiên, không thể chờ mấy thế kỷ để nhận được bồi thường về vật chất. Khả năng Nhà nước sẽ buộc phải mở hầu bao là hoàn toàn có thể.
Từng có những gợi ý về việc Việt Nam nên thành lập một quỹ bồi thường nhà nước, hay từ nguồn tịch thu tài sản tham nhũng. Nhưng như giải thích ở trên, dù dưới hình thức nào, thì chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế là tiền bồi hoàn cho sai phạm của các cá nhân trong hệ thống chính quyền đều phải lấy từ ngân sách.
Thực tế không dễ chịu này buộc chúng ta phải có cái nhìn nghiêm khắc hơn với những sai sót của cán bộ khi thi hành nhiệm vụ. Phía sau lời xin lỗi không thể chỉ là những cái gãi đầu, nụ cười xuề xoà, một tờ giấy in ra rồi cầm đọc, những lời hứa chung, vài lời ve vuốt... Bởi công lý là hai chiều: nếu những dân oan Thủ Thiêm được thừa nhận là đúng, thì phải có những cá nhân làm sai. Là người nộp thuế, tôi thực sự muốn biết ai là người chịu trách nhiệm cho những khoản bồi thường lấy từ tiền túi của mình.
Bạn tôi, một nhà báo, cách tuần lại nhận được cuộc gọi của vài người dân Thủ Thiêm. Họ là những nhân vật của anh trong thời gian qua, khi anh đưa tin về vụ việc. Họ vẫn và chắc chắn sẽ chờ đợi đến khi nhìn thấy công lý trong hình dung.
Hôm qua, chủ tịch thành phố đã đứng lên và nói một lời xin lỗi nữa với người dân Thủ Thiêm. Lần này, là một lời xin lỗi nhiều cảm xúc hơn, “từ tận đáy lòng”. Hôm qua, đã có thêm một buổi đối thoại đưa ra những đề xuất đền bù và khắc phục hậu quả. Nhưng những đối thoại sẽ còn phải kéo dài rất lâu nữa nếu muốn đi đến đích.
Lời xin lỗi, để đi đến tận cùng sự ý nghĩa của nó, cần rất nhiều sự chân thành.
Nguyễn Khắc Giang