Theo hãng truyền thông Trung Quốc Jiemian, Xiaomi sẽ sa thải ở nhiều bộ phận, nhiều nhất là đơn vị kinh doanh smartphone và dịch vụ Internet. Số lượng nhân viên bị ảnh hưởng chiếm tới 10% trong tổng số nhân viên của hãng.
Tính đến hết tháng 9, công ty có 35.314 nhân viên, trong đó hơn 32.000 người ở Trung Quốc. Có nghĩa, khoảng 3.000 người mất việc.
Trên các mạng xã hội của Trung Quốc như Weibo, Xiaohongshu và Maimai cũng tràn ngập các bài đăng về tình trạng cắt giảm việc làm của Xiaomi. Một số người xác nhận đã bị cho nghỉ việc kèm một khoản lương thưởng. Theo SCMP, các bài đăng đang gây cảm giác lo lắng mới về tương lai của Xiaomi cũng như lĩnh vực công nghệ Trung Quốc nói chung trước làn sóng sa thải.
Ở Trung Quốc, việc cắt giảm nhân sự không diễn ra một lần và ồ ạt như các công ty phương Tây. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện cái gọi là "tối ưu hóa kinh doanh" và sa thải dần, nhằm tránh sự giám sát của cơ quan lao động. Theo luật Lao động Trung Quốc, các công ty cho thôi việc hơn 20 nhân sự cùng lúc trở lên phải có văn bản trình lên chính quyền địa phương.
Xiaomi từ chối bình luận.
Xiaomi từng đặt tham vọng sẽ soán ngôi Apple ở mảng smartphone năm 2024. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của công ty có trụ sở Bắc Kinh đã đi xuống do tác động của Covid-19 cũng như việc người dùng thắt chặt chi tiêu. Xiaomi hiện là nhà cung cấp smartphone lớn thứ 5 tại Trung Quốc với thị phần 13% tính đến quý III/2022. Doanh thu công ty quý này giảm 9,7% so với cùng kỳ 2021, xuống còn 70,47 tỷ nhân dân tệ (10,1 tỷ USD), trong khi lợi nhuận giảm 59,1% xuống còn 2,21 tỷ nhân dân tệ (khoảng 317 triệu USD).
Bảo Lâm (theo SCMP)