Ngày 5/7, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin Xiaomi đã bắt đầu sản xuất smartphone tại Việt Nam. Thông tin này lập tức trở thành từ khóa được thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn công nghệ Trung Quốc. Từ khóa "Xiaomi làm điện thoại tại Việt Nam" đang nằm trong top tìm kiếm nóng với gần 1 triệu lượt quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều.
Theo trang công nghệ Sina, Xiaomi đã ủy thác việc sản xuất cho DBG Technology, có nhà máy tại Thái Nguyên với diện tích khoảng 200.000 m2. Nhà máy này được đầu tư khoảng 80 triệu USD, chuyên sản xuất smartphone và một số thiết bị truyền dữ liệu, bảng mạch.
Nhiều người Trung Quốc tỏ ra lo lắng về việc các nhà máy sản xuất lần lượt rời bỏ nước này để chuyển sang Việt Nam. "Chúng ta đã mất nhiều dây chuyền sản xuất của Apple, Samsung, giờ đến lượt Xiaomi. Ngay cả thương hiệu nội địa cũng tìm cách ra nước ngoài, thật đáng tiếc", tài khoản Wu Gusu nói.
Một người khác cho rằng việc chuyển dây chuyền ra nước ngoài không đơn giản là Trung Quốc mất đi những thiết bị được gắn mác "made in China" mà còn mất đi cả nền kinh tế phụ trợ đi kèm. "Một nhà máy lắp ráp được xây dựng đồng nghĩa người dân ở đó có việc làm, hệ thống giao thông được cải thiện, đời sống người dân được nâng cao. Chúng ta đang bị Việt Nam, Ấn Độ lấy đi nhiều cơ hội và sớm muộn gì họ cũng sẽ làm chủ được những công nghệ cao nếu các nhà máy lắp ráp, sản xuất tiếp tục được xây mới", người dùng Xu Shilin viết.
Trong bài phân tích "Cuộc di cư công nghệ của Trung Quốc tồi tệ đến mức nào?", Nikkei Asia đánh giá: "Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất khi các nhà máy rời Trung Quốc". Lợi thế của Việt Nam là cho phép các nhà sản xuất dễ dàng tiếp cận với các thành viên trong khối thương mại tự do Đông Nam Á và những ưu đãi trong các hiệp định khắp châu Á, EU và Mỹ.
Tuy nhiên, Nikkei Asia cũng lưu ý dù chi phí lao động ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, lợi thế về chi phí đất đai đang giảm dần. Các nhà máy ở Việt Nam chủ yếu lắp ráp đồ công nghệ cấp thấp.
Hiện chưa rõ Xiaomi sẽ sản xuất những gì tại nhà máy ở Việt Nam, tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trước mắt hãng có thể sản xuất những model giá rẻ, như dòng Redmi 10A hoặc Redmi Note 11... Trong tương lai, các thiết bị như tai nghe, vòng đeo thông minh cũng có thể được làm tại nhà máy Thái Nguyên.
Mặc dù nhiều người Trung Quốc lo ngại về việc Xiaomi đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam, cũng không ít người cho rằng đây là tín hiệu tốt. "Thật ngớ ngẩn khi mọi người quay lại trách móc Xiaomi. Hãy nhìn theo hướng tích cực là hãng đang mở rộng thị trường sang các nước lân cận. Thương hiệu của chúng ta đang lớn dần theo quy mô toàn cầu. Đặt nhà máy ở Việt Nam là bước đệm tốt cho phép Xiaomi cạnh tranh với Samsung, Apple", người dùng Xishan Xuncha viết.
Bình luận nhận được hàng trăm lượt thích của người dùng Wang San cho biết: "Hai năm qua, đồ công nghệ của Xiaomi đã phủ khắp thị trường này. Tôi đã thấy rất nhiều người dùng Việt Nam dùng điện thoại, vòng đeo tay, đồ gia dụng thông minh của Xiaomi, vì vậy tôi ủng hộ việc hãng mở rộng nhà máy ở đây. Ở đây cũng có nguồn lao động rẻ, cần cù, họ sẽ giúp thương hiệu của chúng ta trở nên phổ biến hơn nữa, vì vậy mọi người không việc gì phải lo lắng hay trách móc Xiaomi".
Trước những ý kiến trái chiều của cộng đồng, chiều 5/7, đại diện Xiaomi đã lên tiếng. "Chúng tôi xác nhận thông tin bắt đầu sản xuất smartphone ở Việt Nam là đúng. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần để sản xuất thiết bị phục vụ thị trường Việt Nam và một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Không phải tất cả nhà máy của chúng tôi đã chuyển đến đây", đại diện Xiaomi nói với trang tin Red Star Capital Bureau.
Xiaomi cho biết trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chi phí hậu cần, xuất nhập khẩu và vận chuyển đến các thị trường Đông Nam Á đã tăng lên. Việc tìm kiếm đối tác tại các quốc gia như Việt Nam phù hợp với chiến lược cắt giảm chi phí lưu thông và nâng cao hiệu quả cung ứng.
Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Canalys trong quý I/2022, Xiaomi đã vươn lên vị trí thứ hai trong số các nhà sản xuất smartphone tại Việt Nam, vượt qua Oppo, Apple, Vivo... Thống kê của Counterpoint cũng cho thấy, thị phần của Xiaomi tăng từ 12,2% năm ngoái lên 20,6% trong ba tháng đầu năm, đứng thứ hai toàn thị trường. Các dòng máy bán chạy thuộc phân khúc phổ thông là Redmi 9 và Redmi Note 11.
Khương Nha