Tuy nhiên, nghĩ đi nghĩ lại, tôi cho rằng cá nhân Supachok và đội tuyển Thái Lan đã nhận đủ những gì họ phải trả. Sòng phẳng!
Sau bàn thắng siêu phẩm (về kỹ thuật, nhưng không đẹp về tinh thần thể thao) đó, Supachok dường như đã đánh mất linh hồn. Nếu để ý, kể từ sau khi ăn mừng và phân bua, Supachok gần như không còn tinh thần để chơi bóng. Tôi đồ rằng cậu ấy sẽ còn mất nhiều thời gian để áy náy. Không ít cầu thủ khác của Thái Lan dường như cũng phân vân, mất tập trung sau pha làm bàn đường đột này.
Hơn nữa, ở một góc nhìn rộng và cởi mở hơn, tôi nghĩ Supachok cũng rơi vào tình thế bị động. Trong tình huống đó, cầu thủ ném biên thông thường sẽ ném bóng dài trả cho thủ môn Đình Triệu. Hoặc một cầu thủ khác đứng gần đó sẽ nhận bóng từ cú ném biên rồi trả ngược cho Việt Nam.
Supachok là cầu thủ thứ ba nhận bóng trong tình huống này. Trong một thời khắc ngắn ngủi, bóng đi qua hai chạm, và đến chân cậu ta. Phản xạ tung một cú sút xa là không quá khó hiểu. Có thể lúc bấy giờ, Supachok không kịp ý thức đầy đủ về tình huống. Cầu thủ thứ hai đã chuyền bóng cho Supachok, và người ném biên đầu tiên đáng trách hơn. Họ chính là những người đã phát động pha bóng không đẹp đó. Trong thể thao xưa nay, fairplay luôn là điều được khuyến khích, chứ khó luật hóa. Vì vậy, các pha bóng "xấu xí nhưng đúng luật" vẫn luôn gây tranh cãi.
Nhưng tại sao Supachok không thuyết phục Thái Lan "trả" lại cho Việt Nam một quả?
Tôi, và có thể nhiều người khác, sẽ thắc mắc như vậy. Trên thế giới từng xảy ra tình huống cầu thủ ghi bàn khi đồng đội trả bóng tương tự, sau đó họ đứng yên cho đội bạn dẫn bóng sút vào cầu môn. Cách này gọi là trả lại một bàn - chơi đẹp.
Supachok cũng đã trao đổi rất lâu với đội trưởng Duy Mạnh. Nhưng trong khi Thái Lan đang thua, cũng khó để Supachok đủ can đảm trả lại một bàn, dù tôi thực lòng tin cậu ấy muốn như vậy. Supachok cũng không có đủ quyền quyết định. Cú sút đã đẩy Supachok vào thế khó xử. Đó không phải là món quà, mà là mối bất an cho cậu.
Vậy trong tình huống này, ai là người đáng lẽ sẽ khiến cho mọi việc khác đi. HLV Ishii Masatada cùng ban huấn luyện của tuyển Thái Lan hoàn toàn có cơ hội thể hiện rõ tinh thần thể thao cao thượng theo thông lệ thường thấy: trả lại bàn thắng. Nhưng cuộc trao đổi với trọng tài không cho thấy điều đó, ngược lại, còn khiến trọng tài phải rút thêm một thẻ vàng.
Tựu trung lại, tôi cảm thấy mình - với tư cách một người yêu bóng đá - có thể tha thứ cho Supachok. Tôi tin cậu ấy không bao giờ muốn ghi bàn theo cách đó. Supachok bị dí đám lửa bởi hai người đồng đội đã châm ngòi cho cuộc tấn công mà đáng lẽ phải là pha trả bóng.
Ai cũng từng làm những điều xấu hổ, không ai bao che cho điều xấu xí, song nếu được, tôi thấy nên bao dung, nhất là với một người còn trẻ, 26 tuổi, trước nhiều áp lực của 50.000 người hâm mộ.
Thái Lan, nền bóng đá đẳng cấp bậc nhất Đông Nam Á, chắc chắn đã có một bài học lớn cho các cầu thủ. Về phía Việt Nam, người hâm mộ có nhiều điều để tự hào về hai trận thắng trước Thái Lan và một giải đấu thành công rực rỡ, hơn là chăm chú vào pha ghi bàn không đáng nhớ đến của Thái Lan.
Cuối cùng thì bóng đá là một hoạt động văn hóa để gắn kết con người. Thế giới càng hiện đại, càng văn minh thì bóng đá đẹp và thể thao thượng võ sẽ ngày càng lên ngôi. Và cũng vì thế, sai sót và sự xấu xí của một vài cầu thủ chắc chắn không đáng trở thành cái cớ để chúng ta quy kết cả một dân tộc.
Đặng Duy Linh