Tín hiệu xi-nhan vừa bật sáng, lái xe ôtô đánh lái vèo một phát khiến một chị phụ nữ đi xe máy ngã lăn ra đường. Tình huống này không hiếm gặp trên đường. Việc lái xe vừa xi-nhan vừa chuyển hướng không cần quan sát khiến các phương tiện khác nhất là những người đi xe máy phải vội vàng dạt ra nếu không muốn có va chạm.
Nhiều lái xe cho rằng, chỉ cần bật đèn xi-nhan là đủ, người đi đường khác bắt buộc phải nhường đường như một tín hiệu ưu tiên. Việc tránh đường là việc của những phương tiện nhỏ hơn thậm chí là những ôtô lớn hơn nếu đi phía sau.
Hôm qua trên đường tôi bắt gặp một vụ va chạm, lái xe đang đi ở làn đường sát dải phân cách đột ngột chuyển hướng vừa rẽ phải vừa xi-nhan và ngay lập tức va chạm vào đầu một chiếc xe khác di chuyển ở làn trong. Hai chiếc xe cùng bị hư hỏng, Hai tài xế xuống xe cãi vã, người lái xe gây ra va chạm lớn tiếng nói: "Mù à không nhìn thấy đèn xi-nhan hay sao mà không dừng lại tránh đường cho người ta rẽ". Người còn lại cũng không vừa, "Ông xi-nhan là để xin đường hay cướp đường, ông muốn chuyển hướng vừa bật đèn xin đường là rẽ luôn không quan sát, khiến người khác trở tay không kịp. Ông rẽ đột ngột thế tôi phanh gấp nhường ông các xe sau đâm vào tôi thì phải làm thế nào?"...
Theo tôi được học về luật, đèn xi-nhan ôtô là đèn báo rẽ, thuộc nhóm đèn tín hiệu của ôtô. Đèn xi-nhan được sử dụng khi tài xế muốn chuyển hướng xe hoặc chuyển làn, với mục đích thông báo cho các phương tiện khác nhường đường cho mình. Đèn xi-nhan cần được bật khi ôtô cách vị trí chuyển hướng 20 - 25m. Tài xế thực hiện tắt đèn xi-nhan sau khi đã hoàn thành chuyển hướng khoảng 4 - 5 giây.
Thế nhưng thực tế, hiếm gặp lái xe nào tuân thủ đúng nguyên tắc trên, đoạn đường trở nên ùn tắc, tiếng tranh cãi vẫn tiếp tục cùng với tiếng lạch cạch của đèn xi-nhan...
Tôi không biết hạ hồi phân giải thế nào, nhưng quả thật nếu là tôi khi gặp những lái xe xi-nhan kiểu vô trách nhiệm như vậy tôi cũng không biết phải làm sao cho đúng luật quan trọng là an toàn cho bản thân và cho những người đi đường khác.
Độc giả Vũ Vũ