Pháp đang nghiên cứu độ tin cậy xét nghiệm nước bọt nCoV trước khi sử dụng đại trà, nhằm phục vụ kiểm soát Covid-19. Đây có thể sẽ là xét nghiệm phổ biến tại Pháp, là một phần trong "thói quen sống cùng nCoV". Hong Kong và Mỹ đã sử dụng phương pháp này.
Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu cho xét nghiệm EasyCov được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 5, trên 133 bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Montpellier. Kết quả cho thấy độ nhạy cao và số lượng dương tính giả rất thấp. Kết quả thử nghiệm tiếp theo sẽ được công bố vào cuối tháng 9 và trình lên hội đồng phản biện khoa học.
Ngoài ra còn có hai thử nghiệm lâm sàng tìm hiểu vai trò của nước bọt đối với tiến triển của virus.
Thử nghiệm Covisal bắt đầu vào cuối tháng 7 ở Guiana, Pháp, xác nhận xét nghiệm nước bọt hiệu quả như tăm bông ngoáy mũi. Nghiên cứu thu thập chất nhầy và nước bọt từ người có triệu chứng Covid-19 tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Đại học Cayenne.
Nghiên cứu thứ hai có tên Salicov, sẽ sớm triển khai tại trường đại học bệnh viện Assistance publique-Hôpitaux de Paris (APHP), đánh giá giá trị của xét nghiệm nước bọt trong sàng lọc. Hai mẫu bệnh phẩm dịch mũi và nước bọt sẽ được lấy cùng nhau.
Tương tự như que thử thai
Mẫu nước bọt được cho vào ống nghiệm có thuốc thử, đun nóng đến 65°C. Chưa đến một giờ, nhân viên y tế có thể đọc kết quả bằng mắt thường. Điều này trái ngược với phương pháp kiểm tra ngoáy mũi, đòi hỏi nhiều giờ xử lý trong phòng thí nghiệm, đi kèm trang thiết bị, thuốc thử, và kết quả đợi vài ngày.
Pháp hiện là nước đi đầu châu Âu về xét nghiệm nước bọt. EasyCov được phát triển trong khoảng ba tháng bởi phòng thí nghiệm Sys2Diag ở Montpellier.
Xét nghiệm này tương tự như cách thử thai. Màu sắc của đầu que ngâm nước bọt sẽ cho biết có kháng thể hay không, mà không cần phân tích trong phòng thí nghiệm.
"Để phát triển và sản xuất hàng loạt một xét nghiệm chỉ trong ba tháng, cần kết hợp giữa khía cạnh lâm sàng và công nghiệp", trưởng dự án kiêm nhà sinh vật học Franck Molina tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, cho biết.
Nguyên tắc cơ bản của xét nghiệm PCR nước bọt này giống như đối với PCR qua đường dịch hầu họng, nhưng quá trình này nhanh hơn và dễ dàng hơn nhiều. Luke O'Neill, giáo sư miễn dịch học tại Trường Trinity Dublin cho biết "xét nghiệm PCR được coi là tiêu chuẩn vàng, là tiêu chuẩn đáng tin cậy nhất hiện tại. Lượng virus trong cơ thể sẽ quyết định mức độ lây nhiễm. Lượng virus càng thấp, càng ít khả năng lây nhiễm cho người khác".
Pháp cũng có kit test nCoV bán tại nhà thuốc, giá khoảng 15 euro, cho kết quả sau 15 phút. Dược sĩ sẽ lấy một vài giọt máu từ đầu ngón tay xét nghiệm và đọc kết quả. Xét nghiệm này cho thấy sự hiện diện của các kháng thể, là dấu hiệu nhiễm virus trong vòng hai đến ba tuần qua.
O'Neill cho biết: "Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu thời gian tồn tại của kháng thể, hiện có rất nhiều kết quả khác nhau. Tuy nhiên không có bằng chứng nào chứng minh nếu bạn đã nhiễm virus một lần thì sẽ không mắc lại".
Pháp thực hiện hơn 700.000 xét nghiệm dịch mũi mỗi tuần, sau khi kết thúc đợt phong tỏa. Bộ trưởng Bộ Y tế Olivier Véran phát biểu trong cuộc họp báo của chính phủ hôm 27/8, Pháp có thể "thực hiện một triệu xét nghiệm mỗi tuần nếu cần thiết".
Hiện nay, xét nghiệm PCR dịch mũi phổ biến nhất tại Pháp. Người lấy mẫu cho xét nghiệm này không cần được giới thiệu hoặc đặt lịch tại phòng xét nghiệm, thậm chí miễn phí khi có thẻ y tế quốc gia. Mất đến năm ngày đợi kết quả. Xét nghiệm ngoáy mũi gây khó chịu khi thực hiện và có nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế khi lấy bệnh phẩm. Người được xét nghiệm thường có phản xạ chống lại, vô tình ho, hắt hơi hoặc thậm chí khạc nhổ khi nhân viên y tế ngoáy tăm bông vào mũi lấy dịch.
Luck O’Neill nói: "Chúng ta cần phải tìm cách chung sống với virus ngay từ bây giờ, không thể tạm dừng cuộc sống của mình cho đến khi có vaccine. Giống như sống giữa một cơn bão, chúng ta cần phải xây dựng nơi trú ẩn".
Nguyễn Ngọc (Theo France24)