Hàn Quốc có chính sách sàng lọc người nhiễm nCoV quyết liệt nhất thế giới bằng cách xét nghiệm nhanh chóng trên diện rộng. Các chuyên gia cho rằng đây là một trong số những lý do chính giúp họ kiềm chế dịch, cùng với các biện pháp truy dấu lịch sử tiếp xúc và cách ly bệnh nhân. Thành công đó đã biến Hàn Quốc thành hình mẫu cho các quốc gia trong cuộc chiến chống Covid-19.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng gần 120 quốc gia muốn sở hữu kit xét nghiệm do nước này sản xuất, dưới dạng mua hoặc viện trợ nhân đạo.
Công ty công nghệ sinh học SolGent, một trong 5 doanh nghiệp sản xuất kit xét nghiệm ở nước này, cho biết họ dự kiến tăng sản lượng lên tới 400.000 kit vào tuần tới để phục vụ nhu cầu toàn cầu.
Hàn Quốc đã xét nghiệm gần 400.000 người, ghi nhận hơn 9.700 ca nhiễm và 162 ca tử vong. Hệ thống xét nghiệm của Hàn Quốc là "di sản" sau dịch MERS năm 2015. Nước này khi đó đã chậm trễ phê duyệt bộ xét nghiệm MERS và giao trách nhiệm chẩn đoán cho chưa tới 5 phòng thí nghiệm do nhà nước điều hành. Các phòng thí nghiệm này phải mất 4-5 ngày mới có kết quả, trong khi bệnh nhân có triệu chứng suy hô hấp không được chẩn đoán và vô tình lây nhiễm cho người khác. Hai tháng dịch MERS bùng phát đã khiến 186 người ở Hàn Quốc nhiễm, trong đó 38 người chết.
Seoul sau đó xem xét lại toàn bộ hệ thống ứng phó khẩn cấp và áp dụng những thay đổi quyết liệt nhằm đẩy nhanh tốc độ hành động. Khi Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, giới chức y tế Hàn Quốc ngày 27/1 yêu cầu các công ty công nghệ sinh học trong nước tự phát triển bộ xét nghiệm. Một tuần sau, kit xét nghiệm đầu tiên được phê duyệt. Ba công ty khác cũng nhanh chóng được phê duyệt sản xuất kit sau 10 ngày. Điều đó giúp Hàn Quốc chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất trước khoảng hai tuần.
Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang sử dụng kit chẩn đoán nCoV bằng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và real-time RT-PCR). Phương pháp này được coi là có độ chính xác rất cao nhưng đòi hỏi cơ sở vật chất trang thiết bị tương đối hiện đại.
Trong khi đó, test xét nghiệm nhanh từ Hàn Quốc sử dụng phương pháp phát hiện kháng thể, có thể lấy nhiều mẫu trong thời gian ngắn và cho kết quả nhanh hơn, trong chưa tới 15 phút, nhưng được cho là không chính xác bằng.
Bộ Y tế Việt Nam lưu ý test nhanh chỉ dùng sau 7 ngày kể từ khi tiếp xúc với mầm bệnh. Trước 3 ngày thì độ nhạy, độ đặc hiệu rất thấp. Do vậy, test nhanh phù hợp vào các trường hợp khẩn cấp cần xác định để khoanh vùng cách ly ngay. Việt Nam nhập 200.000 test xét nghiệm nhanh từ Hàn Quốc, ưu tiên dùng cho người cách ly tập trung, cách ly tại nhà, người từng đến bệnh viện Bạch Mai.
Hàn Quốc có khả năng xét nghiệm lên tới 20.000 người mỗi ngày tại 633 địa điểm toàn quốc, bao gồm chương trình xét nghiệm cho tài xế ngay trên ôtô để hạn chế tiếp xúc và đẩy nhanh tốc độ. Ý tưởng này đã nhanh chóng được áp dụng ở một số bang ở Mỹ.
Một số bệnh viện yêu cầu bệnh nhân vào một không gian kín giống bốt điện thoại, nhân viên y tế đứng ở phía ngoài, sử dụng găng tay cao su dài gắn trên cửa nhựa trong suốt để lấy mẫu bệnh phẩm. WHO đã khen ngợi Hàn Quốc vì những sáng tạo trong chiến lược xét nghiệm người nhiễm nCoV.
Xét nghiệm ngay trên xe "cho cảm giác thuận tiện và an toàn hơn", Kim Soo-jeong, một người phụ nữ ở Seoul nói khi lái xe rời khỏi trạm xét nghiệm.
Nếu một cá nhân được bác sĩ yêu cầu làm xét nghiệm hoặc có liên quan đến ca nhiễm đã được xác nhận, người này sẽ được miễn phí. Những người tự yêu cầu xét nghiệm trả phí khoảng 150.000 won (125 USD).
"Hành động nhanh chóng là quyết định quan trọng nhất mà Hàn Quốc đưa ra", Hwang Seung-Sik, giáo sư Đại học Y tế Công cộng thuộc Đại học Quốc gia Seoul, nói.
"Xét nghiệm nhanh là yếu tố trọng yếu vì giúp phát hiện sớm ca nhiễm, giảm thiểu lây lan và nhanh chóng điều trị bệnh nhân", Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói.
Phương Vũ (Theo WSJ/Reuters/DW)