Hàn Quốc sáng nay ghi nhận 114 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm bệnh trên toàn quốc lên 7.869. Số ca nhiễm mới hôm qua là 242, thấp hơn nhiều so với mức tăng trên 500 ca mỗi ngày vào tuần trước. Là "ổ dịch" Covid-19 lớn thứ tư thế giới, nhưng Hàn Quốc tới nay mới ghi nhận 66 người tử vong, thấp hơn rất nhiều so với 354 ca tử vong của nước xếp thứ ba là Iran.
Thay vì thực hiện phương pháp phong tỏa các thành phố tâm dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc áp dụng mô hình thông tin mở, khuyến khích công chúng tham gia chống dịch và xét nghiệm quy mô lớn một cách "thần tốc".
Tất cả những người từng tiếp xúc với bệnh nhân đều được xác định và cho làm xét nghiệm. Các trang web chính phủ đăng lịch sử di chuyển 14 ngày của bệnh nhân, được xác định thông qua việc sử dụng thẻ tín dụng, camera an ninh và theo dõi điện thoại di động.
Người dân thường xuyên nhận được tin nhắn thông báo mỗi khi phát hiện ca nhiễm mới ở khu vực họ sống hoặc làm việc. Chính sách này gây lo ngại về quyền riêng tư, nhưng nó cũng khuyến khích mọi người cung cấp thông tin và chủ động đi xét nghiệm nếu cảm thấy nghi ngờ.
Phí xét nghiệm là khoảng 160.000 won (130 USD), nhưng người nghi nhiễm (người liên quan đến các trường hợp được xác nhận) hoặc những người cho kết quả dương tính được miễn phí. Biện pháp này khuyến khích người dân tự nguyện xét nghiệm, giúp phát hiện sớm và ngăn dịch lây lan.
Hàn Quốc có thể thực hiện hơn 15.000 xét nghiệm mỗi ngày và đã tiến hành 220.000 xét nghiệm tính đến 11/3. Họ có hơn 500 phòng xét nghiệm chuyên để đối phó Covid-19, bao gồm hơn 40 trạm xét nghiệm không cần rời ôtô, giúp giảm thiểu tiếp xúc giữa bệnh nhân và nhân viên y tế.
Hàn Quốc đã rút được kinh nghiệm từ những dịch trước đây. Họ từng chật vật vì thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm trong đợt bùng phát Hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (Mers) năm 2015, khiến nước này phải xây dựng hệ thống phê chuẩn nhanh các hoạt động chống dịch.
Trong vòng vài tuần sau khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm nCoV nhanh, cho kết quả sau 6 giờ. Chính phủ phê duyệt khẩn cấp và bộ dụng cụ được cung cấp cho các phòng khám.
Giới chức kêu gọi người dân ở nhà, tránh tụ họp và giảm thiểu tiếp xúc với người khác, khiến đường phố cùng các cửa hiệu, nhà hàng vắng lặng, ngay cả ở những khu vực vốn sầm uất của Seoul. Một loạt sự kiện, từ các buổi biểu diễn Kpop cho đến các trận đấu thể thao, đã bị hủy bỏ. Hầu hết mọi người đeo khẩu trang, theo khuyến nghị của chính phủ.
Với biện pháp xét nghiệm "ồ ạt" này, số ca nhiễm nCoV ở Hàn Quốc tăng chóng mặt, nhưng tỷ lệ tử vong ở nước này chỉ là 0,83%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu 3,6% và là nước có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong số 4 vùng dịch lớn trên thế giới.
Theo các chuyên gia, việc xét nghiệm rộng rãi sẽ phát hiện được cả những trường hợp triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, làm tăng tổng số ca bệnh. Tuy nhiên, nó cũng giúp phát hiện sớm ca nhiễm, dẫn đến điều trị sớm và kéo giảm tỷ lệ tử vong.
Hơn nữa, thành phần dân số nhiễm bệnh ở nước này rất đặc biệt: đa phần là phụ nữ và gần một nửa dưới 40 tuổi. Giới chức giải thích nguyên nhân là hơn 60% trường hợp dương tính ở Hàn Quốc liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa, với hầu hết thành viên là phụ nữ và nhiều người ngoài 20 hoặc 30 tuổi. Trong khi đó, số liệu toàn cầu cho thấy nhóm người già, đặc biệt là nam giới, dễ tử vong hơn do nCoV.
Câu hỏi được đặt ra là liệu các nước khác có nên học theo mô hình chống dịch của Hàn Quốc hay không. Nhật Bản, nơi ghi nhận hơn 600 ca nhiễm với 7 người tử vong (không tính du thuyền Diamond Princess) đã không tiến hành xét nghiệm rộng rãi. Masahiro Kami, người đứng đầu Viện nghiên cứu Quản trị Y tế có trụ sở tại Tokyo, nhận định Nhật có thể học hỏi cách phản ứng của Hàn Quốc.
"Xét nghiệm là bước khởi đầu quan trọng để kiểm soát virus", Kami nói. "Đó là mô hình tốt cho mọi quốc gia".
Hàn Quốc đã "hành động mạnh mẽ và nhanh chóng", trái ngược với cách tiếp cận của Italy, giáo sư Marylouise McLaws từ Đại học New South Wales, nhận định. Bà đánh giá Covid-19 tại Italy có thể diễn tiến theo hướng hoàn toàn khác nếu các biện pháp ngăn chặn được áp dụng sớm hơn.
Italy hôm 9/3 ban lệnh phong tỏa toàn quốc khi nước này đã ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm. Số ca nhiễm tại nước này tính đến 12/3 là hơn 12.000 người, hơn 800 người tử vong. "Chính quyền khó xử, chần chừ ra quyết định mạnh tay. Vì vậy, các biện pháp thường được thực hiện muộn", bà nói.
Phương Vũ (Theo AFP)