Giải thích về hai chiếc gối, cô gái 22 tuổi nói một chiếc để giữ chỗ sẵn cho chị họ, người ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đang đón xe xuống TP HCM cũng chờ mua hàng. Họ cùng sở thích sưu tầm loại đồ chơi nghệ thuật (art toys) tên Labubu - sản phẩm do nghệ sĩ Hong Kong Kasing Lung thiết kế năm 2015, lấy cảm hứng từ quái vật nhỏ, răng nhọn của thần thoại Bắc Âu. Để phù hợp với xu hướng đương đại, Labubu được diện những trang phục, phụ kiện riêng nên nó giống như một phiên bản thể hiện "cái tôi" của người chủ sở hữu. Nửa năm nay, Labubu trở thành cơn sốt ở Việt Nam.
"Nó dễ thương, nhìn rất hay", Ngọc Anh nói. Cô có bộ sưu tập 10 con và muốn mua thêm Labubu trong Blind Box (hộp bí mật, màu ngẫu nhiên) lên kệ ngày 15/8 ở cửa hàng nằm trong trung tâm thương mại này.
Do số lượng có hạn, nhu cầu lớn, hàng trăm người chấp nhận xếp hàng, giữ chỗ từ chiều đến sáng hôm sau. Họ mang theo thức ăn, nước uống, ghế xếp, chiếu, gối để qua đêm.
Ngọc Anh nói mình thức gần như trắng đêm. Cô chỉ ngồi đợi trong khi nhiều bạn cạnh bên đã quá mỏi, nằm la liệt nhưng không ai chịu rời chỗ. "Ít nhất tôi sẽ nằm trong nhóm người đầu tiên bốc số vào cửa hàng", cô nói. "Có người hôm trước xếp hàng ròng rã nhưng phải về tay trắng".
Đại diện tổ bảo vệ trung tâm thương mại cho biết hiện tượng trên xuất hiện mỗi tháng một lần, kéo dài từ một đến ba ngày, tùy theo đợt mở bán sản phẩm mới của Pop Mart, cửa hàng Labubu chính hãng ra mắt hồi tháng 5. Mỗi đêm có khoảng 200-500 người, xếp hàng từ chiều tối hôm trước chờ đến 6h hôm sau để bốc số thứ tự và chờ tiếp đến 9h cửa hàng mở cửa mới mua được.
Người mua thường tự mang theo thức ăn, quạt, tấm bạt nilon để qua đêm, sử dụng nhà vệ sinh các cửa hàng tiện lợi gần đó. "Chúng tôi còn phải chụp ảnh lại người xếp hàng để tránh kiện cáo người này đến sau lại vào trước", người đại diện nói.
3h sáng 16/8, Mộng Cầm nhờ bố chở 14 km từ quận Bình Tân đến nhưng vẫn thất vọng bởi có hàng trăm người đứng trước mình. Việc xếp sau nhiều người đồng nghĩa cơ hội sở hữu mẫu Labubu mới rất thấp.
Cô biết đến Labubu được một tháng thông qua các video, hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội. Cầm tự nhận mình không phải là người kiên nhẫn nhưng vẫn không cưỡng lại được sức hút của Labubu.
"Có một con rồi sẽ muốn có con thứ hai", cô gái 21 tuổi nói. "Mua ở cửa hàng không sợ hàng giả, giá lại rẻ một nửa so với mua của những người bán cá nhân nên tôi chấp nhận đợi". Ban đầu, Cầm định nhờ bố xếp hàng cùng để mua được bốn con Labubu (quy định mỗi người chỉ được mua hai con). Tuy nhiên, ông bị đau chân nên về trước.
Thuận Nguyễn, 20 tuổi, đến lúc 5h sáng 15/8, nói Labubu mình đang đợi mua hiện là cơn sốt ở châu Á nên hết hàng liên tục. Thuận chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thích Labubu cho đến khi được bạn tặng con đầu tiên.
"Những người mua đi bán lại liên tục khiến đội giá, có khi trên kệ 380.000 đồng nhưng giá có thể tăng lên 900.000 đồng", Thuận nói. "Mọi người tranh thủ mua ở đây để được giá gốc".
Thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên khoa Quan hệ công chúng - truyền thông, Trường ĐH Văn Lang TP HCM, cho rằng sự lan tỏa và tác động của Labubu đến từ nhiều yếu tố truyền thông cộng hưởng, bên cạnh chiến lược của nhãn hàng.
Trước đó, Lisa của nhóm nhạc Blackpink (Hàn Quốc) đã lăng xê món đồ chơi này thông qua các bài đăng của cô trên mạng xã hội. Giới trẻ thích cái mới, săn tìm những thứ giới hạn và không muốn bỏ lỡ xu hướng. Do đó, họ chấp nhận bỏ thời gian, tiền bạc ra để chinh phục.
Bên cạnh vai trò của Lisa, Labubu còn trở nên nổi tiếng hơn nữa sau khi được nhà mốt Pronounce - vốn nổi tiếng ở lĩnh vực thời trang cao cấp - "mời" đến buổi trình diễn BST Thu/Đông 2024 tại Tuần lễ thời trang Milan. Khi đó, Labubu diện chiếc áo cardigan được Pronounce thiết kế riêng, ngồi hàng ghế đầu của show diễn, y hệt người nổi tiếng thứ thiệt của làng giải trí.
Tuy nhiên, ông Tú cho rằng đây là trào lưu cũng giống như cơn sốt Capybara (chuột lang) trước đó, người trẻ săn lùng mua gấu bông, móc khóa, phụ kiện liên quan đến hình ảnh con vật này. "Labubu sẽ duy trì được độ 'nóng' khoảng vài tháng trước giới trẻ chuyển sang thú vui mới", ông Tú nói.
Nhưng dịp này lại là cơ hội cho người xếp hàng thuê như Nhi, 17 tuổi. Cô gái đến trung tâm thương mại từ 20h để ngủ qua đêm, giữ chỗ cho người khác, đảm bảo họ thuộc nhóm 40 người đầu tiên bước vào cửa hàng. Mỗi giờ Nhi được trả 30.000 đồng, sau 12 tiếng, cô có 360.000 đồng để có thêm chi phí cho năm học sắp đến.
"Em đã quen thức khuya nên không quá mệt mỏi", Nhi nói. "Nhưng thật thú vị khi thấy được đam mê của mọi người".
Dữ liệu từ Metric - nền tảng thống kê thương mại điện tử - cho biết, vào quý II, các mặt hàng liên quan Labubu mang về gần 5,2 tỷ đồng trên Shopee, Lazada, Tiktok Shop. Mức này tăng 665% so với quý đầu năm. "Đây là mức tăng trưởng đột biến khi đồ chơi art toys là sản phẩm hot vài tháng gần đây", đại diện Metric nhận xét.
Sản phẩm liên quan Labubu đa dạng từ mô hình nhân vật đến vật dụng ăn theo như áo thun, đồ nhồi bông, móc khóa, ốp điện thoại. Mức giá dao động từ 700.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng mỗi sản phẩm.
Ngọc Ngân