Nhóm tổ chức buổi biểu tình hôm 24/4 cho biết họ muốn tiếp tục thể hiện quan điểm của mình nhưng vẫn phải tôn trọng các quy định cấm tụ tập đông người nơi công cộng để ngăn Covid-19, đại dịch đã khiến hơn 1.300 người chết ở Thuỵ Sĩ.
"Hãy để chúng tôi thể hiện sự đoàn kết trong mọi cuộc khủng hoảng cũng như hướng tới những người đang phải chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu", Fiona Chiappori, thành viên của nhóm Biểu tình Khí hậu Thuỵ Sĩ, một phần của phong trào Ngày thứ 6 cho tương lai, cho biết.
Khắp quảng trường ở Zurich, Thuỵ Sĩ, những đôi giày đủ loại, đủ màu sắc, được xếp ngay ngắn cạnh nhau, đại diện cho người biểu tình. Vẫn còn một vài người đứng trong khu vực xếp giày, giơ cao biểu ngữ "Hãy thức tỉnh: Hành động vì môi trường ngay bây giờ" hay "Biến đổi là khủng hoảng". Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng bị cảnh sát giải tán.
Nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Greta Thunberg, người sáng lập phong trào Ngày thứ 6 cho tương lai, cũng thừa nhận người biểu tình phải thay đổi cách hoạt động.
"Hôm nay chúng tôi đã lên kế hoạch biểu tình vì môi trường với hàng triệu người tham gia. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, bạn phải điều chỉnh và thay đổi hành vi của mình", Thunberg đăng trên Twitter.
Trong sự kiện Ngày Trái đất hôm 22/4, Thunberg cho biết các quốc gia đang có cơ hội lựa chọn con đường phát triển mới khi họ trở lại cuộc sống bình thường sau lệnh phong tỏa vì Covid-19.
Covid-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 2,7 triệu người nhiễm và hơn 190.000 người chết. Dù sống trong lệnh phong tỏa, nhiều người dân trên thế giới vẫn thực hiện các hoạt động tích cực mà không vi phạm quy tắc cách biệt cộng đồng như hát tập thể từ ban công.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)