Nhật Bản là một quốc gia nơi mọi người vẫn phải đến công ty trực tiếp thay vì làm việc từ xa. Văn hóa công sở ở quốc gia Đông Á này yêu cầu tương tác trực tiếp liên tục, như một cách thể hiện sự tôn trọng công việc. Nhân viên thường được đánh giá dựa trên số giờ cống hiến hơn là kết quả công việc. Người quản lý không tin tưởng để nhân viên làm việc ở nhà và nhiều công ty chưa thiết lập hệ thống làm việc từ xa.
"Sếp của tôi nói rõ ràng rằng 'Nếu tôi cho phép làm việc ở nhà, các bạn có thể sẽ không tập trung vào công việc. Ai mà biết được chứ? Thậm chí bạn có thể uống rượu'", một nhân viên ngân hàng đầu tư, yêu cầu giấu tên, cho hay.
Nhân viên này nói thêm dù khách hàng không muốn gặp mặt trực tiếp, ông chủ của anh vẫn nghĩ rằng nhân viên nên có mặt ở cơ quan để nhận các cuộc điện thoại của khách hàng, như cách thể hiện sự tôn trọng đối với họ.
"Ông chủ của tôi nói nếu không làm vậy, khách hàng sẽ nghĩ rằng các bạn đang tranh thủ nghỉ ngơi và khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn cho bản thân. Thái độ làm việc chính là niềm tự hào của Nhật Bản", anh kể.
Văn hóa làm việc đặc biệt cứng nhắc này đã khiến Nhật Bản là một trong ít quốc gia phát triển không chuẩn bị tốt cho mô hình làm việc từ xa thời Covid-19.
Thủ tướng Shinzo Abe ngày 7/4 đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong một tháng ở Tokyo, Osaka và 5 khu vực khác chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19. Tuy nhiên, ông Abe thêm rằng, "Chúng tôi không phong tỏa các thành phố giống như các quốc gia khác".
Quyết định của Thủ tướng Abe được đưa ra sau hai tuần Tokyo ghi nhận số ca nhiễm tăng và ngày càng nhiều lời kêu gọi chính phủ cần có hành động mạnh tay hơn trong cuộc chiến với Covid-19.
Ông Abe chần chừ hành động sớm và quyết liệt hơn có lẽ một phần do nhận ra rằng nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn bị để làm việc từ xa, theo nhà tư vấn quản lý Rochelle Kopp.
Công nghệ là một yếu tố quan trọng. Nhật Bản luôn được xem là quốc gia công nghệ cao, nhưng đất nước này lại chưa thiết lập hệ thống làm việc từ xa. Giống hình ảnh chú thỏ trong câu chuyện ngụ ngôn, Nhật Bản đã "cắm đầu cắm cổ" chạy về phía trước và dừng lại nghỉ ngơi vào đầu thập niên 90, thời điểm bong bóng tài sản vỡ tan và để những quốc gia khác vượt mặt.
Các công ty Nhật Bản đã bị các công ty về công nghệ thông tin (IT) phương Tây bỏ lại phía sau. Nhiều công ty vẫn bị mắc kẹt ở thời điểm 20 năm trước, với những phần mềm lỗi thời và những nhận thức hạn chế về điện toán đám mây hay công cụ họp trực tuyến.
Các bộ phận IT luôn lo sợ thái quá về bảo vệ tài sản trí tuệ và bảo mật thông tin khách hàng tới mức chỉ cho phép nhân viên truy cập vào hệ thống bằng hệ thống máy tính ở công ty.
Nhiều nhân viên thậm chí không có máy tính xách tay riêng, một phần bởi sợ đánh mất trong những buổi tiệc rượu sau giờ làm và nhiều người không có wifi ở nhà riêng. Thậm chí nếu có làm việc từ xa, nhiều người Nhật Bản, đặc biệt là ở Tokyo, sẽ phải làm việc trên những bàn ăn trong các căn hộ chật chội.
Đây cũng là một đất nước mà các doanh nghiệp vẫn duy trì việc gửi fax và tài liệu vẫn được yêu cầu cần có dấu mực. Thậm chí mọi người làm việc ở nhà vẫn phải tới văn phòng để mang tài liệu tới gặp giám đốc xin dấu, theo báo cáo của truyền thông địa phương.
Trường học bị đóng cửa nhưng họ rất ít hoặc không áp dụng học trực tuyến.
Bất chấp những ánh đèn neon rực rỡ và các chuyến tàu cao tốc hiện đại, văn hóa doanh nghiệp ở Nhật Bản dường như vẫn bị mắc kẹt ở quá khứ, khi phụ nữ vẫn bị phân biệt đối xử ở nơi làm việc và quyền lực chủ yếu vẫn nằm trong tay những người đàn ông lớn tuổi, bảo thủ.
Văn hóa này có thể giải thích tại sao một người làm công ăn lương vẫn phải mặc áo sơ mi, thắt cà vạt và đeo thẻ nhân viên khi làm việc ở phòng bếp tại nhà, hoặc tại sao một nhân viên nữ buộc phải bất tuân quy định ở nhà cuối tuần của chính phủ, bởi cô cần có một bộ đồ mới để mặc khi làm việc tại nhà.
Trong khi đó, chính phủ liên tục củng cố thông điệp chống Covid-19 rằng mọi người cần tránh tụ tập tại những không gian chật hẹp, đông đúc, nơi người lạ gặp gỡ và tiếp xúc nhau trong thời gian dài, bằng cách tổ chức các cuộc họp báo, mà rõ ràng sự kiện này đi ngược lại những quy định trên. Tuy nhiên, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản nói với các nhà báo rằng "không có ý định truyền hình trực tiếp các buổi họp báo này".
Văn hóa làm việc của Nhật Bản dựa trên khái niệm được gọi là ho-ren-sou, viết tắt của quy trình báo cáo, thông tin và tham vấn. Thay vì được giao nhiệm vụ và trao quyền tự xử lý chúng, nhân viên thường phải tham khảo ý kiến của người quản lý từng bước. Và điều này sẽ trở nên khó khăn hơn nếu họ không đi làm cùng nhau.
Mô tả công việc thường khá mơ hồ và ở quốc gia này mọi người đánh giá cao tinh thần làm việc theo nhóm hơn là cá nhân. Đó là lý do tại sao nhân viên thường được đánh giá dựa trên số giờ làm việc, bởi rất khó để đánh giá kết quả cá nhân khi họ làm việc tập thể.
Không phải tất cả sự khác biệt trong cách làm việc của người Nhật Bản đều tệ hơn ở các nước phương Tây. Nhưng Kopp, người tư vấn về cách khắc phục sự khác biệt văn hóa giữa các công ty Nhật Bản và phương Tây, cho biết Covid-19 và nhu cầu làm việc từ xa đã khiến nhiều công ty Nhật Bản bộc lộ các vấn đề tồn đọng.
"Nó giống như khi thủy triều rút, bờ biển chỉ còn lại rác", Kopp so sánh.
Khi Nhật Bản phong tỏa, một số công ty đã sẵn sàng và một số có thể đáp ứng được nhu cầu làm việc từ xa. Nhưng một số khác đơn giản sẽ phải đóng cửa và chủ doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên nghỉ phép hoặc nghỉ không lương, Kopp nhận định. Nhưng cho tới lúc đó, nhiều người vẫn phải tiếp tục làm việc bình thường như thể không biết đến sự tồn tại của Covid-19.
"Tuần trước, sếp của tôi đã đi uống rượu cùng nhân viên hai lần. Ông ấy thích uống nhiều, thích chuốc say người khác và nói về công việc. Tôi không có ý kiến gì về việc này. Nhưng theo tôi, nếu bạn nói tôi phải "làm cái này, cái kia" và nghiêm khắc với tôi, tại sao bạn không tự nghiêm khắc với chính mình", nam nhân viên ngân hàng chia sẻ.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)