Nội dung này được nêu trong nghị định 31 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, có hiệu lực từ 1/5.
Theo đó, thay vì không quy định mốc thời gian như hiện nay, nghị định 31 nêu rõ trong 3 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm, cảnh sát phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở.
Việc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng được rút ngắn từ ít nhất 2 lần như quy định hiện hành, còn một lần theo quy định mới. Trong trường hợp hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối nhưng người vi phạm không đến nhận tang vật, phương tiện thì cảnh sát sẽ tịch thu phương tiện vi phạm.
Lý giải việc rút ngắn thời gian và số lần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nêu trên, lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) nói "nhằm tạo điều kiện cho cơ quan chức năng nhanh chóng làm các thủ tục xử lý tang vật, phương tiện".
Trước đó, Cục CSGT đã chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý, quy trình xử lý xe tang vật, xe vi phạm hành chính vô thừa nhận. Cục này cho rằng hiện nay do mức phạt đối với một số vi phạm hành chính cao hơn giá trị của phương tiện, hay phương tiện đã được mua, bán qua nhiều chủ sở hữu hoặc mất giấy tờ, xe bị tạm giữ có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên chủ nhân không đến nhận lại xe. Điều này gây ra gánh nặng cho các bãi trông giữ phương tiện.
Đến tháng 9/2019, trên toàn quốc còn tồn đọng 136.989 phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được, gồm 772 ôtô, 134.073 xe máy và 2.144 phương tiện khác.