"Luồng xanh" vận tải là các đoạn đường nội tỉnh, liên tỉnh cho phép các phương tiện ưu tiên lưu thông, cung cấp hàng hóa thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân đi qua khu vực đang phong tỏa, giãn cách xã hội do Covid-19.
Trang web "Luồng xanh" (http://luongxanh.drvn.gov.vn/#/) được Bộ Giao thông Vận tải vận hành từ ngày 19/7. Các đơn vị vận tải sẽ đăng ký trên website và đợi xét duyệt. Nếu thành công, đơn vị sẽ nhận được mã QR để dán lên phương tiện để phục vụ việc đi lại trên "luồng xanh".
Giải pháp sử dụng phần mềm đã giúp tối ưu hóa toàn bộ quy trình đăng ký và phê duyệt đường đi của phương tiện. Theo anh Phan Bá Mạnh, CEO công ty An Vui - đơn vị được Tổng cục Đường bộ giao xây dựng giải pháp, hệ thống này giúp thời gian chờ đợi giấy phép của các doanh nghiệp vận tải tính bằng phút, thay vì bằng ngày như trước đây.
Trước đây, khi một doanh nghiệp vận tải muốn di chuyển đến các khu vực đang bị phong tỏa hoặc giãn cách, họ cần gửi đơn đăng ký qua email đến Sở GTVT nơi đăng ký kinh doanh. Sở này sẽ gửi yêu cầu đến Sở GTVT ở nơi đến, đợi đồng ý, sau đó mới cấp giấy phép cho doanh nghiệp. Với số lượng phương tiện đăng ký lớn như hiện nay, việc giải quyết có thể mất 2 ngày.
Với phần mềm, khi có một đơn đăng ký gửi lên hệ thống, các Sở GTVT ở nơi có liên quan có thể nhìn thấy ngay và cấp phép tức thì. Quy trình có thể hoàn thành trong 4 phút. Hệ thống cho phép các Sở GTVT tạo nhiều tài khoản để xử lý nhiều đơn đăng ký cùng lúc. Nếu đủ điều kiện, hệ thống sẽ trả về một mã QR. Tài xế sẽ in mã này ra và dán vào kính xe.
Với mỗi mã QR được sinh ra, các đơn vị giám sát tại chốt chặn sau khi quét có thể nắm được thông tin của phương tiện, như loại hàng hóa, điểm đến điểm đi, kết quả xét nghiệm Covid-19 của tài xế..., giảm thời gian khai báo tại chỗ như trước đây.
Nếu phát hiện đơn vị vận tải khai báo không trung thực, phương tiện đi không đúng lộ trình đăng ký, hoặc hết hạn theo đăng ký, mã QR sẽ tự hủy trên hệ thống.
Tổng Cục đường bộ, cơ quan quản lý chung, có thể theo dõi số lượng phương tiện đăng ký, tình trạng phê duyệt... để nắm được thông tin, đôn đốc việc cấp phép cho các doanh nghiệp vận tải. Các "luồng xanh" cũng sẽ được cập nhật nhanh nhất lên hệ thống để các doanh nghiệp có thể đăng ký theo nhu cầu.
Theo anh Phan Bá Mạnh, thách thức lớn nhất của việc xây dựng giải pháp này nằm ở yêu cầu thời gian gấp rút, trong khi lượng phương tiện đăng ký lớn và cần phổ cập ngay đến toàn bộ các tỉnh thành trong cả nước. Khi nhận được đề nghị từ Tổng Cục đường bộ, công ty anh đã thành lập nhóm "đặc nhiệm luồng xanh" với 9 thành viên, làm việc liên tục hai ngày đêm để hoàn thành dự án.
Việc tạo "luồng xanh" đáp ứng được mục tiêu kép: vừa kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, vừa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá 24/24h cho các khu vực bị giãn cách, đảm bảo an sinh.
Thời gian qua, nhiều phần mềm, ứng dụng cũng đã được các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam xây dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội trong dịch Covid-19 và tận dụng lợi thế của mã QR. Bên cạnh mã QR dùng trong kiểm soát phương tiện trên luồng xanh, QR còn dùng trong việc khai báo y tế, kiểm soát người đến và đi tại các địa điểm công cộng qua app Bluezone, VHD hoặc Ncovi. Người dùng cũng có thể khai báo hồ sơ y tế, nhận chứng nhận tiêm chủng bằng mã QR trên app Sổ sức khỏe điện tử. Chương trình "mỗi người dân một mã QR" dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 7, liên thông dữ liệu của hầu hết các app chống dịch hiện nay.
Lưu Quý