Xe tự lái đang được phân chia làm 5 cấp độ chính. Hiện tại, hầu hết xe tự lái đang ở cấp độ 2 - xe có thể tự động phanh, hỗ trợ chuyển làn, kiểm soát hành trình thích ứng, nhưng tài xế vẫn phải tập trung vào hành trình, sẵn sàng kiểm soát. Các chuyên gia cho rằng phải nhiều năm nữa xe tự lái mới có thể đạt cấp độ 5 - tự điều khiển hoàn toàn, tài xế không cần can thiệp.
Các nhà sản xuất ôtô đang bổ sung các tính năng bán tự động cho sản phẩm của mình. Từng chút một, các hệ thống dần chuyển quyền điều khiển xe sang phần mềm.
Các hệ thống như Autopilot của Tesla, Super Cruise của General Motors (GM) và BlueCruise sắp ra mắt của Ford đang hướng tới mục tiêu cung cấp các tính năng tự động như vào cua, phanh và chuyển làn đường. Những công ty trên khẳng định, hệ thống của họ có độ an toàn cao, tỷ lệ tai nạn trên mỗi dặm ít hơn so với khi con người tự lái. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng con người có thể gặp nguy hiểm nếu "liều lĩnh" đặt niềm tin vào các hệ thống vốn vẫn tồn tại nhiều sai sót này.
Hệ thống trợ lái đang thiếu an toàn
Các nhà chức trách Mỹ đang điều tra hơn 20 vụ tai nạn liên quan đến tính năng lái tự động. Mới nhất trong số này có vụ xe Tesla đâm vào gốc cây khiến hai người chết. Năm 2018, một chiếc xe tự lái khác của Uber cũng đâm vào một người đi bộ khiến người này tử vong.
Fraunhofer FKIE - tổ chức chuyên nghiên cứu về rủi ro của các công nghệ mới - cho rằng, khi các hệ thống tự lái cho xe hơi phát triển, một hiện tượng gọi là "Thung lũng kì lạ" (Uncanny Valley) về vấn đề an toàn xuất hiện theo. Trong đó, con người có cảm tưởng các hệ thống tự hành ngày càng tốt và an toàn, khiến họ chủ quan và mất tập trung, từ đó các vụ tai nạn sẽ gia tăng.
Hiện nay, các mẫu xe tự lái được thiết kế để hoạt động tốt trên đường cao tốc, nhưng sẽ gặp khó khăn nếu rơi vào các con đường nhỏ, không có hệ thống chỉ dẫn và vạch chỉ đường. Trong trường hợp này, tài xế cần phải lập tức điều khiển xe.
Tuy vậy, theo một nghiên cứu từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đối với Autopilot của Tesla, 1/3 số tài xế đã không nhìn đường khi kích hoạt hệ thống phần mềm xe tự lái này. Bryan Reimer, nhà nghiên cứu tại MIT, cho rằng đã đến lúc xe tự lái cần được trang bị hệ thống camera và cảm biến để giám sát ngược tài xế.
Giám sát tài xế sẽ là tính năng buộc trên xe tự lái
Tesla hiện sử dụng hệ thống cảm biến nằm trong vô-lăng để kiểm soát tài xế. Trong khi đó, GM và Ford đã chuyển sang dùng camera hồng ngoại luôn bật để giám sát ánh nhìn và vị trí đầu của người lái xe nhằm đảm bảo họ phải chú ý liên tục. Nếu tài xế không nhìn đường, hàng loạt cảnh báo sẽ được đưa ra.
Hệ thống mới được giới chuyên môn đánh giá cao về độ an toàn. Tuy nhiên, việc có nhiều camera hướng thẳng ống kính vào khuôn mặt mình khiến nhiều tài xế không cảm thấy thoải mái. Các hệ thống camera cũng khiến một số quốc gia lo ngại. Tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã ngăn một số tổ chức quân sự và quốc doanh sử dụng xe Tesla vì lo ngại camera trên xe có thể bị lợi dụng để giám sát và thu thập dữ liệu "nhạy cảm".
Nick DiFiore, người đứng đầu bộ phận ô tô tại See Machines, một công ty chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ dựa trên AI cho GM, nói rằng hầu hết các công ty không lưu trữ hoặc truyền dữ liệu video. "Các phần mềm được thiết kế để nhận biết các dấu hiệu của tài xế như buồn ngủ, mệt mỏi theo thời gian thực, nghĩa là chúng chỉ làm nhiệm vụ phát hiện, không có hệ thống nào lưu dữ liệu", DiFiore cho biết.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng việc sử dụng camera có thể khiến dữ liệu hình ảnh của tài xế bị thu thập. Dù vậy, điều này là khó tránh khỏi.
Một số khu vực dự kiến áp dụng việc theo dõi tài xế. Từ năm sau, ôtô bán ra tại Liên minh châu Âu (EU) phải được trang bị hệ thống giám sát người lái nếu chúng có tính năng bán tự động. Nước Anh cũng đang xem xét giải pháp của riêng mình, trong đó có đề xuất hệ thống kiểm tra tài xế ít nhất 30 giây một lần để xem họ có chú ý hay không.
Bảo Lâm (theo Telegraph)