Năm 1915, Đế quốc Nga rơi vào tình thế hết sức khó khăn trong Thế chiến I. Cuộc tấn công của Đức ở mặt trận phía đông đã bao vây lực lượng Nga ở Ba Lan và khu vực Galicia, phía tây Ukraine ngày nay. Các kỹ sư Nga khi đó đề xuất chế tạo nhiều vũ khí mới để xoay chuyển cục diện chiến trường, một trong số này là xe tăng Sa hoàng, mẫu xe tăng được đánh giá là kỳ dị và phi thực tế nhất trong lịch sử quân sự.
Kỹ sư Nikolai Lebedenko, cha đẻ của dự án, muốn chế tạo mẫu xe tăng khổng lồ, trang bị các khẩu pháo đủ sức thổi bay toàn bộ pháo đài đối phương. Trên thực tế, cái tên "xe tăng Sa hoàng" cũng bắt nguồn từ bề ngoài đáng sợ và lượng vũ khí uy lực nó mang theo.
Dự án táo bạo và đầy tham vọng của Lebedenko lập tức thu hút sự chú ý của Sa hoàng Nicholas II. Theo thiết kế, cỗ xe quái vật này dài 18 m, rộng 12 m và cao bằng tòa nhà ba tầng. Xe có thể đạt tốc độ 17 km/h ở địa hình gồ ghề và vỏ xe được bọc thép.
Vũ khí uy lực nhất của xe tăng Sa hoàng là hai khẩu pháo cỡ 76,2 mm với cơ số đạn 120 quả. Ngoài ra, xe còn được trang bị loạt súng máy cỡ nòng 7,62 mm để tự vệ trước bộ binh đối phương. Xe tăng cần ít nhất 15 người để vận hành.
Nicholas II mời Lebedenko đến Cung điện Mùa đông ở Petrograd để nghe thuyết trình về dự án. Lebedenko mang theo mô hình xe tăng gỗ. Sa hoàng rất thích thú khi thấy vật thể hình xe ba bánh lăn nhanh dọc theo tấm thảm, chạy bằng động cơ vặn dây cót.
Dự án được Sa hoàng phê duyệt và cấp kinh phí khoảng 250.000 rúp, tương đương 125.000 USD, khoản tiền khổng lồ vào thời điểm đó.
Tháng 7/1915, nguyên mẫu đầu tiên của xe tăng Sa hoàng đã sẵn sàng. Chiếc xe nặng 60 tấn, trang bị hai động cơ Maybach công suất 240 mã lực được tháo từ khinh khí cầu của Đức mà Nga có được. Xe trông khá bắt mắt với dàn pháo uy lực bên trong thân và vỏ bọc thép.
Vì kích cỡ và khối lượng tổng thể của xe tăng Sa hoàng quá lớn, các bộ phận của xe phải được vận chuyển riêng đến nơi thử nghiệm rồi mới lắp đặt. Trong quá trình chạy thử, hai bánh sau của xe bị lún xuống đất và không thể di chuyển vì phần đuôi quá nặng. Các kỹ sư cũng phát hiện sai sót trong tính toán, khiến xe có tải trọng vượt quá 50%. Động cơ quá nhỏ và không thể vận hành cỗ xe khổng lồ, trong khi bản thân xe dễ hứng chịu thiệt hại từ hỏa lực pháo binh đối phương.
Xe tăng Sa hoàng sau đó được mang về cải tiến. Nhà thiết kế Mikulin và Stechkin được giao nhiệm vụ phát triển các động cơ mạnh hơn. Tuy nhiên, Cách mạng tháng 10 Nga nổ ra năm 1917 khiến dự án không bao giờ thành hiện thực. Xe tăng Sa hoàng bị bỏ lại trong một khu rừng rồi bị rã sắt vụn năm 1923.
Duy Sơn (Theo RBTH)