Đầu năm 1992, không lâu sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, Yeltsin và chính phủ của ông bắt đầu thực hiện "liệu pháp sốc" cho chính sách kinh tế và tiền tệ mới, không hợp lòng dân. Chế độ Xô viết sụp đổ và cùng với nó là nền kinh tế kế hoạch tập trung khiên nhiều thị trường cũng như các mối quan hệ mậu dịch mất đi, mức sống của một bộ phận lớn dân chúng Nga xuống thấp, khiến họ rất bất bình, đặc biệt là những người vẫn ủng hộ đường lối cộng sản. Khủng hoảng kinh tế và chính trị càng tồi tệ hơn bởi cuộc chiến quyền lực giữa Yeltsin và các đối thủ ở quốc hội, trong đó có Phó tổng thống Rutskoi. Dưới sức ép của các nhà lập pháp, thủ tướng E. Gaidar theo cải cách đã bị sa thải, nhưng điều đó cũng không giúp làm dịu căng thẳng. Từ giữa 1993, cả hai phe ra sức tước bỏ quyền lực của nhau, nhưng không thành. Cuộc chiến giữa tổng thống và quốc hội ngày càng gay gắt, mà đỉnh điểm là sắc lệnh ngày 21/9/1993 của ông Boris Yeltsin đòi giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm.Tại một phiên họp khẩn cấp của quốc hội, Phó tổng thống Rutskoi tuyên bố nhậm chức tổng thống. Giới lập pháp và những người ủng hộ ông từ chối tuân lệnh Yeltsin. Mặc dù chủ tịch đảng Zyuganov và các lãnh đạo cao cấp của cộng sản không tham gia, nhưng một số đảng viên và các tổ chức ủng hộ quốc hội đã tích cực hành động trong chiến dịch chống Yeltsin này. Ngày 2/10, những người ủng hộ quốc hội đã dựng hàng rào và ngăn chặn giao thông ở những tuyến phố chính của thủ đô Nga. Tại phố Garden Ring, nơi cuộc đụng độ giữa cảnh sát trung thành vơí tổng thống và những người ủng hộ quốc hội, tình trạng bạo lực lên cao khi người biểu tình dựng rào chắn và đốt lốp xe. Lực lượng an ninh xả súng khiến một số người bị thương. Tiếp đó, cảnh sát dã chiến được tăng viện, định dùng vòi rồng để giải tán đám đông, nhưng cuối cùng chính họ bị đẩy lùi bởi những quả rốc két tự tạo, bom xăng và gạch đá. Chính phủ Nga công bố có 24 nhân viên cảnh sát và 5 người biểu tình bị thương, nhưng nguồn tin quốc hội cho hay con số thực tế lớn hơn nhiều. Trong một cử chỉ tỏ sự nhượng bộ, tổng thống đã cho phép cấp điện trở lại cho toà Nhà Trắng. Tuy nhiên ông đe doạ sẽ truy tố tất cả các nghị sĩ liên đới trách nhiệm tới những cái chết trong cuộc biểu tình. Ngày 3/10, một nhóm người biểu tình xông vào những đồn cảnh sát ở quanh Nhà Trắng (trong khi bản thân toà quốc hội cũng tự phong toả) và chiếm Toà thị chính Matxcơva. Đám đông được vẫy chào và hoan nghênh bởi Rutskoi, ông này đứng trên ban công toà quốc hội kêu gọi dân chúng chiếm đài truyền hình quốc gia Ostankino. Đêm đó, một trung đội không quân Nga đã chặn đứng một cuộc tấn công nhằm vào Ostankino, một phần của đài bị phá hỏng. Hầu hết các kênh truyền hình không phát sóng được, chỉ còn một kênh duy nhất hoạt động ở studio dự phòng đặt ở địa điểm khác. Tuy nhiên, hầu như không có tin tức nào về vụ tấn công đài truyền hình quốc gia. Những người dân Mat xcơva ủng hộ tổng thống liền kéo nhau ra đường dựng hàng rào bảo vệ các cơ quan trọng yếu, đề phòng lực lượng thân quốc hội đột kích. Cho đến sáng ngày 4/10, người ta vẫn nhìn thấy các rào chắn này. Cũng sáng hôm đó, sau vài ngày lưỡng lự, những đơn vị thiện chiến nhất của quân đội quyết định ủng hộ đương kim tổng thống Yeltsin. Xe tăng lăn bánh xích tiến đến Nhà Trắng lúc 5 giờ sáng. Đạn pháo gầm lên vào 7 giờ. Cuộc tấn công diễn ra liên tục suốt ngày, với các tay súng bắn tỉa nấp trên các toà nhà cao tầng ở trung tâm thành phố. Những người bảo vệ quốc hội được trang bị súng chống tăng và đã bắn cháy một vài chiếc. Rất nhiều thanh thiếu niên Matxcơva, bị cuốn hút bởi chiến sự, đã lượn quanh khu vực nổ súng, một số bị dính đạn lạc chết hoặc bị thương. 5 giờ chiều, đặc nhiệm quân đội tấn công vào bên trong Nhà Trắng, lãnh đạo quốc hội và Phó tổng thống Rutskoi bị bắt. Tuy nhiên, những tay súng ủng hộ các nhà lập pháp vẫn tiếp tục nhả đạn nhiều giờ sau đó. Suốt đêm 4 và ngày 5/10, cảnh sát Matxcơva toả đi săn lùng họ. Vài ngày sau, do sức ép của Yeltsin, Chánh toà án Hiến pháp Nga bị sa thải vì đã phản đối giải pháp quân sự trong cuộc xung đột giữa tổng thống với các nhà lập pháp. Ngày 26/2/1994, tất cả thủ lĩnh của chiến dịch chống Yeltsin được ra khỏi nhà tù. Báo cáo chính thức của chính phủ cho biết có 146 người chết và hơn 1.000 người bị thương trong các cuộc đọ súng. Chỉ riêng trong năm 1994, theo báo chí sau đó đưa tin, chính phủ Nga đã chi hơn 300 triệu USD để sửa chữa toà nhà quốc hội, nhiều hơn ngân khoản dành cho các chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển trên toàn quốc. T. Huyền (sưu tầm) |