Các quán trà là một trong rất ít những địa điểm ở Myanmar mà người dân có thể tụ tập và bàn bạc tương đối thoải mái về những sự kiện đang diễn ra trong nước. Htet Myet Oo, 25 tuổi, một chủ nhà hàng ở Myanmar từ Anh trở về vào năm 2012, cho hay khi quyết định mở một tiệm trà sang trọng tại Yangon hồi năm ngoái, chiến lược của anh là dựa vào thói quen này của người dân để phát triển kinh doanh.
Khách hàng cao cấp của Htet Myet Oo vẫn thường chọn một món bún ăn cùng canh cá với tên gọi mohinga. Món ăn này thường được phục vụ tại các quán trà truyền thống - nét đặc trưng của Myanmar. Tuy nhiên, đầu bếp trong nhà hàng của Htet Myet Oo giờ đây nấu chúng với các nguyên liệu đặc biệt "có nguồn gốc địa phương" và đồ uống đi kèm là rượu vang trắng ướp lạnh.
5 năm sau khi chính quyền quân sự của Myanmar bắt đầu quá trình cải cách dân chủ, quốc gia Đông Nam Á với 51 triệu dân từng được coi là vùng đất tách biệt với thế giới bên ngoài này đang thay da đổi thịt với tốc độ chóng mặt, theo Washington Post. Chỉ vài năm trước, rất ít người dân ở nơi đây biết đến chiếc điện thoại di động, nhưng nay tỉ lệ sở hữu phương tiện liên lạc này chiếm tới 50% dân số.
Htet Myet Oo là một trong khá nhiều người trẻ ở Myanmar được hưởng nền giáo dục phương Tây quay trở về Yangon với niềm hy vọng tràn trề vào một tương lai khởi sắc của đất nước.
"Sự mở cửa đem tới tâm lý hứng khởi cho tất cả mọi người", Htet Myet Oo nói. Anh theo cha mẹ rời khỏi Myanmar để sang Anh định cư từ lúc mới 4 tuổi.
Trước khi cuộc bầu cử lịch sử ở Myanmar hôm 8/11 diễn ra, cảm xúc bao trùm là hồi hộp và lo lắng. Không một ai tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Myanmar giành được độc lập từ Anh vào năm 1948, nhưng một nửa thế kỷ sống dưới sự điều hành của chính quyền quân sự khiến quốc gia này trở nên tách biệt và lâm vào cảnh nghèo khó. Các tướng lĩnh quân đội mới chỉ khởi động quá trình cải cách dân chủ từ năm 2010 bằng việc bãi bỏ một số hạn chế và trả tự do cho các tù nhân chính trị.
Mỹ cùng một số nước khác từ đây cũng nới lỏng trừng phạt, mở ra những kênh đầu tư mới vào Myanmar. Đi cùng với đó là tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, đặc biệt là ở Yangon và thủ đô Naypyidaw. Các máy rút tiền tự động ATM và mạng wifi dần phủ sóng dày hơn. Lượng người dùng mạng xã hội Facebook cũng tăng lên con số 6 triệu. Các hãng ôtô xa xỉ như Mercedes hay Land Rover rục rịch mở cửa hàng tại một số nơi. Siêu thị cùng các trung tâm thương mại mọc lên xen kẽ với những phòng trưng bày nghệ thuật sang trọng. Hãng thức ăn nhanh KFC nổi tiếng của Mỹ mùa hè vừa rồi cũng mở cửa hàng đầu tiên ở Yangon.
Năm 2012, chỉ có khoảng 70.000 chiếc xe hơi lưu thông trên đường phố Yangon. Hiện nay, con số tăng lên gấp gần 6 lần. Tốc độ thay đổi của Myanmar khiến không ít người phải kinh ngạc.
"Chỉ có một nửa số tài xế lấy bằng lái trong hai năm gần đây vậy nên một nửa số xe còn lại không biết đang làm gì trên đường", May Thu Khine, trợ lý giám đốc công ty nhượng quyền của KFC ở Myanmar, nói.
May Thu Khine, 27 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Yangon nhưng rời đất nước để đến Bắc Carolina, Mỹ, du học tại Cao đẳng Davidson. Cô tốt nghiệp với tấm bằng khoa học chính trị vào năm 2011. Bị thu hút bởi bước chuyển mình mạnh mẽ của Myanmar, May Thu Khine về nước làm việc vào năm 2012, đồng thời dành thời gian rảnh viết về cuộc sống ở Yangon trên trang blog cá nhân, như lễ hội ẩm thực hay các buổi trình diễn kịch Shakespeare. Những hoạt động này ở vào thời điểm khoảng 10 năm trước là điều quá đỗi xa lạ.
Tuy nhiên, những người như May Thu Khine hay Htet Myet Oo vẫn chỉ là thiểu số trong cộng đồng. Rất nhiều người đồng trang lứa với họ hiện phải vật lộn để tìm kiếm việc làm. Tránh xa khỏi các khu trung tâm, tại những vùng ngoại vi thành phố, đa phần người dân vẫn sống trong cảnh đói nghèo, thiếu thốn, với thu nhập bình quân chưa đầy 1.200 USD một năm, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới.
"Myanmar còn phải làm rất nhiều để có thể bắt kịp thế giới. Chúng ta vẫn nỗ lực chưa đủ", Htet Myat Oo, nhận xét.
Vào một buổi tối cuối tuần, Htet Myet Oo đứng phục vụ sau quầy bar tại tiệm trà của mình. Trên bức tường đằng sau anh đang chiếu những bộ phim hiếm về Myanmar từ những năm 1960, 1970. Bàn về cuộc bầu cử lịch sử vừa diễn ra, Htet Myet Oo cho hay anh cảm thấy đất nước đang "đứng bên bờ của sự thay đổi" nhưng thay đổi như thế nào thì anh không rõ.
Vũ Hoàng